Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Đợt triều cường đầu tháng giêng âm lịch đang ở mức cao. Cụ thể, ngày 12.2, tại trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền, mực nước cao nhất đạt 1,7m vượt báo động (BĐ) 3 là 0,1m. Tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,71m, vượt BĐ3 là 0,11m.
Mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai tiếp tục lên trong 1 ngày nữa, sau xuống lại. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 12 – 13.2 (nhằm mùng 3 – 4 Tết Nguyên đán) ở mức: Tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể ở mức 1,7 – 1,75m, trên mức BĐ 3 từ 0,1 – 0,15m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4 – 6 giờ sáng và 17 – 19 giờ chiều.
Mực nước cao có khả năng gây ngập ở một số vùng trũng thấp, người dân du xuân trong năm mới cần chú ý phòng tránh tình trạng ngập, di chuyển khó khăn.
Tình hình tương tự với các tỉnh miền Tây Nam bộ, mực nước đợt triều cường ở hầu hết các trạm đều xấp xỉ và vượt BĐ 3. Mực nước cao nhất ngày tại hầu hết các trạm trên các sông, kênh, rạch có thể lên trong 1 ngày nữa, sau xuống lại. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 12 – 13.2, ở mức: Trạm Mỹ Thuận khoảng 1,87 – 1,92m ở mức trên BĐ 3 từ 0,07 – 0,12m. Tại trạm Cần Thơ khoảng 1,89 – 1,95m ở mức xấp xỉ hoặc trên BĐII 0,05m.
Chênh lệch nhiệt độ cao, cần chú ý sức khỏe khi du xuân
Trong những ngày Tết Giáp Thìn, thời tiết các tỉnh thành tại Nam bộ tiếp tục ổn định và thuận lợi cho mọi hoạt động du xuân, chúc tết. Riêng vào các thời điểm trưa và chiều thời tiết sẽ nóng và hanh khô, một số tỉnh miền Đông có nắng nóng. Ngoài ra, vào rạng sáng mùng 3 tết thời tiết còn se lạnh. Với thời tiết hanh khô như vậy, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá lớn nên dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời cần đề phòng xảy ra cháy nổ.
Từ 12 – 14.2 (từ mùng 3 – 5 tết): Mây thay đổi, ngày nắng, ít mưa, sáng sớm trời se lạnh. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 32 – 35 độ C, có nơi trên 35 độ C, thấp nhất 22 – 25 độ C, phía bắc miền Đông có nơi dưới 22 độ C.