Viêm da quanh miệng thường gây nên mụn đỏ, khiến người bệnh bị ngứa rát ở xung quanh vùng miệng. Phát hiện sớm các dấu hiệu viêm nhiễm để thăm khám bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt triệu chứng, sớm phục hồi làn da khỏe mạnh.
1. Triệu chứng nhận diện viêm da quanh miệng
Viêm da quanh miệng là tình trạng viêm nhiễm đặc trưng bởi sự kích ứng làm xuất hiện sẩn viêm nhỏ, đỏ xung quanh miệng. Đây là hình thức viêm da dạng chàm chưa rõ cơ chế bệnh sinh, có triệu chứng điển hình là:
– Vùng da đỏ, ngứa, nóng rát ở cằm, môi trên hoặc các vùng khác xung quanh miệng.
– Trên vùng da quanh miệng có các nốt mụn nhỏ, không chứa nhân hoặc mủ nhưng thường sưng đỏ và gây ra cảm giác khó chịu. Đôi khi, các nốt mụn này dễ nhầm lẫn với mụn trứng cá hoặc các bệnh da liễu khác.
– Da quanh miệng bị khô ráp, xuất hiện các mảng bong tróc.
– Da quanh miệng căng và khô nên người bệnh thường khó cử động môi, tình trạng này có xu hướng nặng hơn sau khi tiếp xúc với nước.
– Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tình trạng viêm và đau rát da có chiều hướng tăng lên.
Hình ảnh minh họa tổn thương da ở bệnh viêm da quanh miệng
2. Phương pháp khắc phục khi bị viêm da quanh miệng
2.1. Làm sạch da
Đầu tiên, người bệnh cần làm sạch da nhẹ nhàng bằng chất tẩy rửa không chứa hương liệu, không xà phòng ngay sau đó rửa sạch hoàn toàn với nước.
2.2. Ngừng sử dụng các sản phẩm gây kích ứng
Tiếp đó, hãy dừng sử dụng tất cả các sản phẩm có khả năng gây kích ứng da, đặc biệt là các loại mỹ phẩm và kem bôi chứa corticoid.
Việc sử dụng corticoid trong thời gian dài có thể làm suy yếu lớp bảo vệ tự nhiên của da, dẫn đến viêm da quanh miệng. Nếu đang dùng corticoid, hãy dừng sử dụng từ từ để tránh tình trạng phản ứng ngược khiến da trở nên tồi tệ hơn.
Đối với mỹ phẩm, hãy loại bỏ sản phẩm chứa chất tạo màu, chất kích ứng và hương liệu để thay bằng mỹ phẩm có thành phần lành tính. Tốt nhất nên hạn chế dùng mỹ phẩm trong giai đoạn điều trị viêm da quanh miệng.
2.2. Sử dụng thuốc
Trong trường hợp viêm da quanh miệng đã trở nên nghiêm trọng hoặc không tự giảm sau khi ngừng sử dụng các sản phẩm gây kích ứng, người bệnh cần có sự thăm khám bác sĩ da liễu. Sau khi có chẩn đoán, đánh giá đúng tình trạng bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi kháng sinh hoặc kháng viêm:
– kháng sinh dạng bôi
Metronidazole hoặc Erythromycin là các loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị viêm da quanh miệng. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây viêm, nhờ đó làm giảm mụn và tình trạng đỏ da.
– kháng sinh dạng uống
Nếu viêm nhiễm mức độ nặng, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh đường uống như Doxycycline, Minocycline, Tetracycline,… để điều trị viêm từ bên trong.
– Thuốc bôi kháng viêm không chứa corticoid
Các loại thuốc bôi không chứa corticoid như Pimecrolimus, Tacrolimus,… cũng có thể được dùng với mục đích giảm viêm mà không gây ra tác dụng phụ như việc dùng corticoid.
Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh và hướng dẫn cách sử dụng để điều trị viêm da quanh miệng
Tuy nhiên những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, bạn chỉ nên sử dụng kháng sinh hoặc corticoid sau khi được bác sĩ thăm khám và kê đơn sử dụng để tránh tình trạng nhờn kháng sinh.
2.3. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến tình trạng viêm da quanh miệng. Một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng có thể giúp da phục hồi nhanh hơn. Người bệnh nên:
– Bổ sung vitamin và khoáng chất: Các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E và kẽm giúp da tái tạo và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Người bệnh có thể bổ sung những vi chất này từ cá, các loại rau xanh, hoa quả tươi, các loại hạt,…
– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và dầu mỡ: Đây là nhóm thực phẩm dễ làm tăng nguy cơ bùng phát viêm da quanh miệng.
– Uống đủ nước: Nước là yếu tố cần thiết để đảm bảo da được duy trì độ ẩm. Vì thế, người bệnh cần chú ý uống tối thiểu 2 lít nước/ngày để tránh tình trạng da thiếu độ ẩm càng dễ bị khô và bong tróc, tăng mức độ tổn thương.
2.4. Dưỡng ẩm da đúng cách
Da khô dễ khiến cho triệu chứng viêm trở nên phức tạp hơn, khó điều trị hiệu quả. Vì vậy người bị viêm da quanh miệng không thể bỏ qua khâu sử dụng kem dưỡng ẩm.
Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý chọn kem dưỡng ẩm không chứa hương liệu, không có chất bảo quản mạnh. Nên ưu tiên chọn sản phẩm có thành phần dịu nhẹ như glycerin, axit hyaluronic, ceramide,… để giúp da duy trì độ ẩm tự nhiên và bảo vệ hàng rào bảo vệ da.
Để đảm bảo da không bị khô, người bệnh nên thoa kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi rửa mặt. Trong những ngày thời tiết khô lạnh hoặc khi làm việc trong môi trường điều hòa, hãy thoa thêm một lớp dưỡng ẩm cho mặt nếu cảm thấy da căng khô.
Dưỡng ẩm là việc không thể thiếu để kiểm soát tốt các triệu chứng viêm da quanh miệng
2.5. Bảo vệ da trước tia UV
Ánh nắng mặt trời có thể làm tình trạng viêm da quanh miệng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh hãy thường xuyên dùng kem chống nắng chỉ số SPF từ 30 trở lên, nhất là khi đi ra ngoài và nên ưu tiên chọn sản phẩm dành cho da nhạy cảm.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần đeo khẩu trang và đội mũ rộng vành khi tiếp xúc với ánh nắng để bảo vệ vùng da bị viêm không bị tổn thương trước tia UV.
3. Phòng ngừa viêm da quanh miệng
– Sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc da không chứa hương liệu, không gây kích ứng. Luôn kiểm tra thành phần sản phẩm trước khi sử dụng để tránh dùng phải sản phẩm có chất gây dị ứng.
– Bổ sung thêm các loại rau xanh, trái cây và hạn chế tiêu thụ đường, thực phẩm nhiều dầu mỡ để tăng cường sức đề kháng, giúp da luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ bị viêm.
– Đảm bảo da luôn được dưỡng ẩm bởi sản phẩm có thành phần tự nhiên, tăng cường dưỡng ẩm khi thời tiết khô hanh hoặc tiếp xúc với gió lạnh.
– Nếu cần sử dụng corticoid để điều trị các bệnh về da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và không nên lạm dụng. Sử dụng corticoid không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, trong đó có viêm da quanh miệng.
Triệu chứng viêm da quanh miệng không chỉ gây khó chịu trên da mà còn làm giảm đi vẻ đẹp tự nhiên của khuôn mặt. Bằng việc thăm khám, điều trị và chăm sóc da theo chỉ dẫn từ bác sĩ da liễu, người bệnh có thể kiểm soát được triệu chứng và ngăn ngừa khả năng bệnh tái phát.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám cùng bác sĩ Da liễu – Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56 để được xác nhận lịch hẹn nhanh chóng.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/viem-da-quanh-mieng-trieu-chung-ra-sao-lam-cach-nao-de-mau-khoi