Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Chính vì thế, ngay khi có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
1. Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết
Trước hết, bạn cần hiểu rõ, nhiễm trùng huyết là vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng. Bắt đầu từ ổ nhiễm trùng nguyên phát, các sinh vật theo đường máu để có thể di chuyển đến khắp mọi nơi trong cơ thể.
Nhiễm trùng máu do nhiều nguyên nhân
Nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết hay nhiễm trùng máu là do vi khuẩn, nấm,… giải phóng độc tố vào trong máu để chống lại những phản ứng viêm. Từ đó, tạo nên sự thay đổi lớn, khiến các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng.
Nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra những triệu chứng như sau:
– Sốt cao: Đây thường là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp của người bệnh bị nhiễm trùng máu.
– Hạ thân nhiệt: Một số trường hợp có thể bị hạ thân nhiệt. Những trường hợp này hiếm gặp nhưng thường nghiêm trọng hơn.
Nhiễm trùng máu gây sốt
– Thở gấp, rối loạn nhịp thở: Khi tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở phổi thì khi oxy mà cơ thể hít vào sẽ bị giảm đi. Trường hợp nhiễm trùng tiến triển nặng thì cơ thể cũng cần thêm oxy để giải giải phóng khí CO2. Đó chính là lý do khiến người bệnh khó thở, thở nhanh hơn.
– Đau nhức, mệt mỏi: Bệnh nhân có thể chỉ đau ở một số cơ quan nhưng cũng có khi đau toàn bộ cơ thể, chẳng hạn như đau đầu, đau bụng,… Đây là những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với những căn bệnh khác.
– Tim đập nhanh: Khi bị nhiễm trùng máu, tim sẽ hoạt động nhiều hơn, co bóp để bơm máu nhiều hơn nhằm chống lại nhiễm trùng.
– Tiểu ít hơn bình thường: Do cơ thể bị mất nước nên người bệnh thường đi tiểu ít hơn. Bên cạnh đó, tình trạng mệt mỏi, ăn uống ít, nôn và tiêu chảy cũng là nguyên nhân dẫn tới tiểu ít. Ngoài ra, tiểu ít cũng có thể do tình trạng thoát dịch khỏi lòng mạch.
– Hạ huyết áp: Khi mạch máu bị mất nước thì động mạch và tĩnh mạch sẽ giãn ra và làm cản trở quá trình lưu thông máu. Từ đó dẫn đến hạ huyết áp. Đây là triệu chứng nghiêm trọng vì có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn – chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của nhiễm khuẩn huyết.
– Buồn nôn, tiêu chảy: Đây là biểu hiện dễ bị nhầm lẫn giữa nhiễm trùng máu với một số bệnh lý khác về đường tiêu hóa.
– Vùng da thay đổi màu: Nếu xảy ra nhiễm trùng máu, cơ thể sẽ ưu tiên vận chuyển máu đến những bộ phận quan trọng của cơ thể. Đó chính là lý do vì sao lượng máu tới da bị giảm đi và người bệnh nhìn có vẻ tím tái và nhợt nhạt hơn bình thường.
– Các trường hợp nặng có thể gặp tình trạng suy hô hấp, mất ý thức và có nguy cơ dẫn tới tử vong.
2. Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm ra sao? Những ai dễ bị bệnh?
Khi xảy ra tình trạng nhiễm trùng máu, các cơ quan trong cơ thể người bệnh sẽ chịu những tác động rất lớn từ độc tố do vi khuẩn tiết ra. Nếu không nhận biết sớm cũng như có cách xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những biến chứng vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tuần hoàn, tình trạng rối loạn đông máu, quá trình hô hấp, suy gan, suy thận và một số vấn đề sức khỏe khác.
Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng huyết có thể gây ra tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hay còn gọi là sốc nhiễm trùng và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi, thận, gan,… Người bệnh thường được điều trị tích cực bằng các loại thuốc kháng sinh và có thể phối hợp với những biện pháp khác như thở máy, hỗ trợ tim phổi,….
Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị nhiễm trùng máu
Các trường hợp dễ bị nhiễm khuẩn huyết bao gồm:
– Người cao tuổi, trẻ sơ sinh, nhất là những trẻ sinh non.
– Người bệnh đang dùng corticoid lâu ngày, một số loại thuốc chống thải ghép,…
– Bệnh nhân đang điều trị hóa chất và xạ trị.
– Người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, xơ gan, HIV, bệnh tim bẩm sinh, suy thận,…
– Người nghiện rượu bia.
– Người từng phẫu thuật cắt lá lách.
– Người đang điều trị bằng những thiết bị xâm nhập như đặt ống nội khí quản, đinh nội tủy,…
3. Điều trị nhiễm khuẩn huyết
Đây là vấn đề sức khỏe nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện đại mà kết quả điều trị bệnh cũng khả quan hơn rất nhiều. Để điều trị nhiễm trùng huyết, bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán bệnh, sau đó loại bỏ những nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng từ ổ nhiễm trùng nguyên phát.
Tiếp đó, bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hệ hô hấp cho người bệnh. Đồng thời, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, chống rối loạn đông máu và cho người bệnh dùng kháng sinh.
Bác sĩ sẽ tiến hành cấy máu để làm kháng sinh đồ, hiểu đơn giản là tìm loại kháng sinh phù hợp nhất với người bệnh. Trong một số trường hợp khẩn cấp, không cần chờ đợi kết quả kháng sinh đồ mà người bệnh có thể được sử dụng kháng sinh phổ rộng ngay sau quá trình lấy bệnh phẩm.
Khi tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ được truyền thuốc theo đường tĩnh mạch và kết hợp dùng máy thở. Trường hợp bị suy thận, cần được lọc máu,… Một số bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật để loại bỏ nguồn gốc gây bệnh, chẳng hạn như hút mủ áp xe hoặc cắt bỏ những mô bị nhiễm trùng.
Bạn nên đi khám và xét nghiệm tại những cơ sở y tế uy tín
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của nhiễm khuẩn huyết, nhận biết được triệu chứng của bệnh và kịp thời đi khám để được điều trị.
Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ y tế uy tín, chất lượng, được nhiều người tin tưởng và lựa chọn. Đội ngũ bác sĩ của MEDLATEC có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm cùng với hệ thống máy xét nghiệm hiện đại chính là những ưu điểm vượt trội của MEDLATEC.
Nếu có nhu cầu đặt lịch thăm khám, xét nghiệm sớm, quý khách có thể liên hệ trực tiếp đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ tư vấn và hỗ trợ bạn nhanh chóng.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/nhiem-khuan-huyet-trieu-chung-nhan-biet-va-huong-xu-tri