Tang vật của một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. (Ảnh: TTXVN phát)
Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, tội phạm ma túy liên tục thay đổi phương thức hoạt động, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, gia tăng quy mô, tính chất phạm tội; địa bàn rộng và mang tính quốc tế cao hơn. đồng thời gắn kết ngày càng chặt chẽ với các loại tội phạm khác.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, với quan điểm, phương châm “không đánh khúc giữa,” bắt giữ toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, đối tượng chủ mưu, cầm đầu, góp phần ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, chủ động ban hành các kế hoạch và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tổ chức triển khai thực hiện.
Nhiều thách thức trên trận tuyến phòng, chống ma túy
Theo thống kê, hiện toàn quốc có trên 183.000 người nghiện ma túy, trên 47.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, trên 17.000 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy; tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung. Đây được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn, kéo theo việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến hết sức phức tạp, gây áp lực không nhỏ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy và nhiều hệ lụy cho xã hội.
Cả nước hiện có 390 điểm, 17 tụ điểm phức tạp về ma túy; 2.367 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy. Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm trở lại bình thường. Tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng mạnh, có những vụ phát hiện hàng trăm đối tượng dương tính với ma túy.
Vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đã có công văn cảnh báo các dạng ma túy “núp bóng,” trà trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và kế hoạch giải quyết tình trạng trên.
Theo thống kê, theo dõi của Cục C04, năm 2022 có 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “núp bóng” thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu và thực phẩm.
Từ đầu năm 2023 đến nay, báo cáo của 52/63 địa phương cho biết có 11 vụ mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, 17 vụ việc vi phạm liên quan đến bóng cười.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, khám phá thành công hơn 13.000 vụ, bắt giữ hơn 20.000 đối tượng, thu giữ hơn 312kg heroin, hơn 1,6 tấn ma túy tổng hợp, 174kg cần sa, hơn 400kg cocaine; đã khởi tố 11.045 vụ, 16.117 bị can; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 186 đối tượng truy nã về ma túy.
Tang vật vụ vận chuyển 180kg ma túy bị triệt phá ở Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tổ chức đấu tranh thành công 38 vụ, 121 đối tượng, thu giữ hơn 85kg heroin, hơn 310kg cùng 185.000 viên ma túy tổng hợp, hơn 300kg cocaine; đã khởi tố 6 vụ, 42 bị can.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy ở Việt Nam được dự báo tiếp tục chịu nhiều tác động của tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới. Tội phạm ma túy đang tiếp tục móc nối, cấu kết hình thành đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia, lợi dụng triệt để khoa học công nghệ để đối phó với lực lượng chức năng.
Đáng lo ngại, tình trạng mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng phức tạp, nguy cơ hình thành điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Đặc biệt, thời gian qua xuất hiện và hình thành các điểm, tụ điểm sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy hết sức phức tạp.
Người nghiện ma túy từ các địa phương, tập trung tại các khu công nghiệp, sử dụng ma túy tập trung… gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá,” thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc đối tượng nghiện ma túy vi phạm pháp luật có nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có 6.130 vụ án do người nghiện gây ra, trong đó có 20 vụ giết người.
Huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống ma túy
Nhận định những thách thức và nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra trong công tác đấu tranh, phòng chống và kiểm soát ma túy, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tăng cường phối hợp với các lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.
Công tác trao đổi thông tin, xác lập và đấu tranh chuyên án chung, phối hợp ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam đang được các lực lượng này chủ động đẩy mạnh.
Đặc biệt, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đang tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt là với các nước bạn như Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Cục tập trung truy bắt đối tượng truy nã, xác lập và đấu tranh chuyên án chung, hỗ trợ trong công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy các nước.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, C04 đã yêu cầu tập trung lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, bóc gỡ triệt để các đường dây phạm tội ma túy liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp; các tụ điểm tập kết ma túy ở khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam; tăng cường xác minh, truy bắt đối tượng truy nã về ma túy; khai thác, điều tra mở rộng các vụ án đã khám phá, bắt giữ bằng được đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Trong quá trình thực hiện, các lực lượng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo là “triệt phá được cả đường dây, ổ nhóm tội phạm, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không đánh khúc giữa.”
“Chúng tôi đã đề nghị công an các địa phương thường xuyên rà soát, đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức, chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm; các địa bàn giáp ranh,” Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho hay.
Lực lượng chức năng giám định trọng lượng tang vật trong một vụ vận chuyển ma túy. (Ảnh: TTXVN)
Trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm về ma túy, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị “áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt xóa các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đặc biệt nguy hiểm.”
Các đơn vị thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm chặn cung, kéo giảm nguồn cầu ma túy trong nước, đảm bảo mục tiêu không để bị động bất ngờ, không đi sau tội phạm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, “vì một cộng đồng sạch ma túy.”
Đặc biệt mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “phải coi tội phạm ma túy là kẻ thù của sự phát triển, là kẻ thù chung của tất cả chúng ta.”
Thủ tướng chỉ rõ để công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được tăng cường và nâng cao hiệu quả, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy; sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, lực lượng công an nhân dân là nòng cốt.
Thủ tướng đề nghị tăng cường đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp; các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia, nhất là trên các tuyến biên giới đất liền, trên biển, cửa khẩu, hàng không, bưu điện… trên cơ sở “phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát” đồng thời, nắm chắc địa bàn, tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy để áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai; chú trọng nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả tại cơ sở.