Đánh thuế bất động sản là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, làm sao để trúng đối tượng mà không gây ảnh hưởng đến người mua thực sự.
Mới đây, trong số đề nghị liên quan đến xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, dự định đánh thuế với thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ, thay cho quy định hiện hành là áp dụng chung mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng, đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ Tài chính kỳ vọng, nếu được đưa vào chương trình xây dựng luật, Quốc hội sẽ cho ý kiến cuối năm 2025 và xem xét thông qua dự thảo vào kỳ họp giữa năm 2026. Đây được xem là giải pháp mạnh mẽ để triệt nạn đầu cơ, mua đi bán lại, đẩy giá nhà đất lên cao, làm cho những người có nhu cầu thật không thể mua được nhà – gọi khái quát là hiện tượng “lướt sóng” đang gây bức bối cho công luận.
Còn nhiều hơn những điều kiện khác đi kèm để công cụ thuế thực sự nhắm tới đúng đối tượng là những người đầu cơ (Ảnh: Thu Hà) |
Giới chuyên gia đánh giá, chủ trương này là đúng đắn và cần thiết, có thể góp phần hạn chế được tình trạng đầu cơ, làm giảm những chiêu trò bán chênh “lướt sóng” bất động sản.
Giới đầu cơ thường tận dụng đòn bẩy tài chính trong ngắn hạn để thu lợi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc buộc phải nắm giữ bất động sản trong thời gian dài sẽ gây áp lực tài chính lớn đối với họ. Khi mức thuế cao được áp dụng, chi phí gia tăng khiến hoạt động đầu cơ trở nên kém hấp dẫn, đồng thời làm giảm đáng kể tính thanh khoản của các giao dịch mua đi bán lại trên thị trường.
Thế nhưng, việc áp dụng đánh thuế sẽ mang tính hai mặt. Và, để chính sách này thực sự hữu hiệu và hiệu quả, cần được triển khai một cách thấu đáo, toàn diện, thông qua nghiên cứu đa chiều, kỹ lưỡng và hợp tình hợp lý. Ở góc độ thận trọng, có dư luận cho rằng khả năng trực tiếp làm giảm giá nhà của công cụ thuế này không thực sự hữu hiệu, thậm chí là phản tác dụng. Giả sử chủ đầu tư cộng chi phí thuế tăng thêm vào giá bán, chắc chắn, người mua thực càng chịu thêm gánh nặng.
Chưa kể, đối với các trường hợp vay ngân hàng mua bất động sản để kinh doanh, chủ nhà trước áp lực “thiệt kép”, họ hoàn toàn có thể thực hiện hành động tất yếu là đẩy phần thuế vào giá bán hòng giảm bớt thiệt hại. Như vậy, người mua thực cũng càng thêm khó khăn.
Nhằm điều chỉnh chính sách thuế sao cho “gãi đúng chỗ ngứa”, thiết nghĩ các hoạch định pháp luật cần nhìn nhận thêm yếu tố cục bộ của hiện tượng “lướt sóng” và “tăng nóng” trên thị trường bất động sản, bởi khu vực tập trung xảy ra chỉ ở hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các địa phương khác gần như không ghi nhận tình trạng trên, nhiều nơi giá bán vẫn chững, hiếm giao dịch.
Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất – cũng là một yêu cầu đặt ra trong Luật Đất đai 2024. Nếu tình trạng “hai giá” khi giao dịch bất động sản cũng như thanh toán bằng tiền mặt chưa được giải quyết thì việc đánh thuế sẽ vẫn không dễ dàng và cũng khó bảo đảm sự công bằng.
Hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký giao dịch đất đai, bất động sản theo đó cần được quan tâm, đầu tư bài bản, tạo cơ sở giúp các cơ quan thuế có được thông tin thời gian nắm giữ bất động sản để áp dụng một cách chính xác nhất.
Còn nhiều hơn những điều kiện khác đi kèm để công cụ thuế thực sự nhắm tới đúng đối tượng là những kẻ đầu cơ. Những mong trong thời gian tới, với sự quyết tâm và đồng lòng của các cơ quan quản lý, thị trường bất động sản sẽ được thanh lọc, bạch hóa hơn nữa.
Những kẻ lợi dụng chiêu trò để lũng đoạn, thao túng giá cả sẽ dần bị loại bỏ, trả lại sự cân bằng và lành mạnh cho thị trường. Khi đó, bất động sản sẽ quay về giá trị thực, mở ra cơ hội để người dân sớm hiện thực hóa giấc mơ an cư, ổn định cuộc sống và lập nghiệp.
Nguồn: https://congthuong.vn/danh-thue-bat-dong-san-triet-nan-dau-co-nhung-can-hai-hoa-loi-ich-363207.html