Từ các chia sẻ kinh nghiệm của người Thái về “triết lý kinh tế đủ đầy”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, người Thái thành công nhờ một số yếu tố cốt lõi sau:
Cộng đồng: Người Thái ưu tiên sản xuất nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội bộ trước, và sau đó mới hướng tới thị trường. Phương pháp này giúp nông dân giảm thiểu tác động của biến động thị trường và thiên tai. Tuy nhiên, người Thái không bỏ qua thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp.
Họ chú trọng vào việc biến các sản phẩm nông nghiệp thông thường thành hàng hóa giá trị cao thông qua các kỹ thuật bảo quản, chế biến và tiếp thị hiệu quả. Họ xây dựng thương hiệu nông sản dựa trên đặc tính nổi bật, nguồn gốc và phương thức sản xuất độc đáo, làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của sản phẩm trên thị trường.
Phát triển tựa trên liên kết và hợp tác: Chìa khóa thành công của người Thái trong việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp nằm ở việc phát triển các cộng đồng nghề nghiệp ở nông thôn. Họ tập trung vào việc tạo ra sự liên kết và hợp tác giữa các thành viên trong cộng đồng, chia sẻ lợi ích và tối ưu hóa nguồn lực.
Quan điểm “Không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là một câu slogan mà là nguyên tắc hoạt động thực sự, đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội phát triển và đóng góp vào sự thịnh vượng chung.
Nhờ vào “triết lý kinh tế đủ đầy”, người Thái đã xây dựng một hệ thống nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo đói và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước các biến động và thách thức.
Bộ trưởng cho rằng, muốn lan tỏa “triết lý kinh tế đủ đầy” thì người nông dân Việt Nam cần phải có tư duy “ganh đua nhưng không ganh tị”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, tất cả mọi người đều phải “cạnh tranh sòng phẳng”, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác liên kết, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tiếp sức cho nông dân, trang trại phát triển các chuỗi giá trị, hình thành một nền kinh tế dịch vụ.
Nguồn: https://danviet.vn/triet-ly-du-day-va-cach-nguoi-thai-ho-tro-phat-trien-cong-dong-nong-thon-o-thai-lan-20241104111518063.htm