Điểm sáng từ chính sách
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế, điểm nổi bật nhất về chính sách là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2024. Đây là một điểm sáng vô cùng quan trọng cho việc phục hồi kinh tế nói chung và ổn định kinh tế vĩ mô nói riêng.
Những luật và nghị định này có tác động lan tỏa rộng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông vận tải và đặc biệt là ngành xây dựng, bất động sản. Đồng thời đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân tín dụng ngân hàng và vượt qua thời kỳ đóng băng của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nới lỏng, linh hoạt nhằm giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp kể cả trong sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản.
“6 tháng cuối năm 2024 chúng ta vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng gần đây đã chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ vượt 15-16%”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Vị chuyên gia cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì tỉ giá hối đoái ổn định và giảm mạnh chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Các biện pháp này mặc dầu chưa thật bền vững nhưng bước đầu cho thấy tác động tích cực nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Chính sách tài khóa tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là thu ngân sách vẫn tăng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán vẫn có tốc độ tăng tương đối khả quan so với năm ngoái dù các nhà đầu tư ngoại bán ròng khối lượng lớn nhưng các nhà đầu tư nội địa đã thay thế một cách ngoạn mục.
Ngoài ra, quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới sẽ là động lực lớn cho thị trường và các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Triển vọng tích cực từ nhiều nhóm ngành
Với những thuận lợi của kinh tế vĩ mô và các yếu tố đang diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng những tháng cuối năm sẽ là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp bứt phá khi mà các điều kiện kinh tế được cải thiện, môi trường kinh doanh tích cực cũng như các luật mới đi vào áp dụng.
Mặt khác, từ câu chuyện lãi suất cùng tỷ giá trở nên tích cực hơn, đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán sẽ có thêm cơ hội, kéo theo đó là dòng tiền lớn nhập cuộc trở lại.
Điều này cũng mở ra những kỳ vọng tích cực khi thị trường bước vào chu kỳ mới. Theo ông Đoàn Minh Tuấn – Trưởng phòng Nghiên cứu & Đầu tư, FIDT: Các rủi ro lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn đã qua đi. Trong đó, có các rủi ro về thay đổi các nhân sự và rủi ro tỉ giá, cả nỗi lo về kinh tế suy thoái và rủi ro định giá thị trường.
“Thời gian sắp tới, chúng tôi cho rằng, tâm lý dòng tiền sẽ trở nên rất tốt, hỗ trợ cho lực cầu. Thanh khoản thị trường rất có thể sẽ quay lại vùng 20.000 tỉ đồng, hỗ trợ xu hướng tăng trung hạn thị trường”, ông Tuấn nhận định.
Các dòng cổ phiếu dự báo sẽ thu hút dòng tiền đầu tư sắp tới tiếp tục liên quan đến các chính sách như nhóm cổ phiếu bất động sản với xu hướng phục hồi của thị trường sau giai đoạn suy thoái 2022 – 2023 và tác động tích cực của 3 luật vừa chính thức có hiệu lực đầu tháng 8.
Cổ phiếu một số doanh nghiệp ngành chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng thị trường chứng khoán nâng hạng cuối quý III/2024. Bên cạnh đó, nhóm đầu tư công cũng tích cực hơn nhờ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công, theo chính sách đầu tư công trọng tâm của Chính phủ kéo dài 2024 – 2025. Ngoài ra, ngành dệt may cũng hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu xuất khẩu rất cao,
Nguồn: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/trien-vong-tich-cuc-cua-thi-truong-tai-chinh-chung-khoan-1386832.ldo