Những chính sách thúc đẩy các kênh đầu tư
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020-2024. Bước sang quý III/2024, các chuyên gia kinh tế cũng hết sức lạc quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Dù các nhóm ngành như bất động sản, hàng không vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các nhóm như hóa chất, thép, thủy sản, công nghệ viễn thông có các kết quả nổi trội.
Điểm tựa vững chắc cho sự lạc quan của các nhà kinh tế chính là các chính sách sắp có hiệu lực trong thời gian tới. Đây sẽ là động lực cho các kênh đầu tư.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, điểm nổi bật nhất về chính sách từ nay đến cuối năm 2024 là 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào ngày 1.8.2024. Trong đó, có một số nghị định, quy định chi tiết một số điều của 3 luật trên thuộc thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ.
“Các nghị định, quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được hoàn thiện ở những bước cuối cùng và Chính phủ cũng ban hành cả Nghị định về xây dựng và quản lý thông tin cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; Nghị định quy định một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Như vậy, sẽ có tới 7 Nghị định thuộc thẩm quyền Chính phủ ban hành liên quan đến 3 luật nói trên” – TS Nghĩa cho biết.
Theo chuyên gia, tính tích cực và hiệu quả của các chính sách này đang tạo động lực, hy vọng lớn cho thị trường bất động sản, thậm chí còn tác động đến các thị trường tài sản khác như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,… giúp các thị trường này phục hồi và tích cực hơn trong cuối năm.
TS Nghĩa cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp đánh giá rất cao việc rút ngắn thời hiệu hiệu lực của 3 luật trên tạo lòng tin để các nhà đầu tư mở rộng đầu tư cho sản xuất kinh doanh và quay lại thị trường chứng khoán một cách tích cực.
Đáng nói, hiện nay chính sách tiền tệ của nước ta vẫn tiếp tục được nới lỏng. Chính phủ, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Hơn cả, 6 tháng cuối năm 2024, Thông tư 02 về giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục bơm tín dụng vào nền kinh tế.
Còn chính sách tài khóa vẫn tiếp tục duy trì các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, thu ngân sách vẫn tiếp tục tăng trên thực tế.
“Bất chấp những khó khăn về địa chính trị, quan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác lớn vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Thặng dư thương mại quốc tế vẫn tiếp tục tăng ngay cả trong điều kiện nhập khẩu tăng cao. Điều này cho thấy Việt Nam đã tận dụng khá tốt sự phục hồi của thương mại quốc tế ngay cả trong điều kiện có xung đột ở một vài khu vực” – TS Nghĩa cho biết.
Cùng lạc quan như TS Nghĩa, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế, nhận định: Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024 triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan cho nửa năm sau nếu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ lãi suất, làm giảm áp lực lên tỉ giá USD/VND, lạm phát và tác động tích cực đến các cân đối vĩ mô khác.
Thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng tốt
Trong số các kênh đầu tư có triển vọng tốt trong 6 tháng cuối năm, các chuyên gia dành sự quan tâm đặc biệt với thị trường chứng khoán.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường chứng khoán đã chịu không ít tác động từ quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và biến động của thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, khi nhìn vào chỉ số VN-Index chúng ta đều thấy thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng tốt.
Trong nửa sau của năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ ổn định và tốt hơn so với nửa đầu năm 2024 bởi đây là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Nếu kinh tế phục hồi mạnh vào nửa năm sau của 2024 thì thị trường chứng khoán sẽ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ đó. TS Hiếu cho rằng, các mã cổ phiếu có tính bền vững, hấp dẫn sẽ là những mã chứng khoán liên quan đến khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông và đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/trien-vong-tang-truong-kinh-te-viet-nam-trong-nua-cuoi-nam-1373709.ldo