Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Trụ cột chính sách tiền tệ
Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 8% vào năm 2022 xuống chỉ còn 3,3% trong quý 1/2023. Do đó, để đạt được kế hoạch, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ cả về hành chính (đối với thị trường bất động sản), kế hoạch cắt giảm thuế GTGT và nhất là chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lãi suất huy động đã tăng hơn 200 điểm cơ bản vào cuối 2022, lên hơn 8% đối với kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm 2022. Theo báo cáo của VinaCapital, quỹ này cho rằng mức trung bình lãi suất huy động 12 tháng sẽ giảm 200 điểm so với đầu năm (xuống khoảng 6%) để thúc đẩy kinh tế phục hồi và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Để lãi suất tiền gửi giảm hơn nữa, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cần phải cải thiện đáng kể, và cách quan trọng nhất chính là mua USD để tăng dự trữ ngoại hối. VinaCapital kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỷ USD dự trữ ngoại hối và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng làm thúc đẩy tiền gửi trên toàn hệ thống tăng thêm 4% trong năm nay. Cắt giảm lãi suất cùng mua dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng là những biện pháp nới lỏng tiền tệ quan trọng mà nhà điều hành sẽ thực hiện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
KQKD Q1 với nhiều điểm sáng, VPBank tự tin mục tiêu tăng trưởng 2023
Vào thời điểm cuối năm 2022, nhiều dự báo cho rằng ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ gặp khá nhiều thách thức, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Không ít ngân hàng đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 đầy thận trọng, nhưng vẫn có vài ngân hàng “lội ngược dòng” tăng trưởng với kế hoạch đầy tham vọng như VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau khi loại trừ các khoản thu nhập bất thường là hơn 50% trong 2023. VPBank đang cho thấy sự thận trọng nhưng vẫn lạc quan với các triển vọng kinh tế vĩ mô trong 2023 trên nền tảng vốn được tăng cường và sức khỏe tài chính ổn định.
Thực tế đang ủng hộ sự lạc quan của VPBank khi trong quý 1 đầu năm, với điểm sáng từ tiêu dùng nội địa, dư nợ tín dụng hợp nhất của ngân hàng là hơn 503 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt mức tăng trưởng hơn 7% từ động lực tăng trưởng chính là 2 phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (KHCN) và SME khi dư nợ tín dụng của riêng phân khúc KHCN đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá tăng trưởng gần 12% so với cuối năm 2022, góp phần đảm bảo thanh khoản và tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao (hơn 30%) của ngân hàng. Với lợi nhuận quý 1 khả quan (ngân hàng mẹ đạt hơn 4,100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), dù thách thức vẫn còn nhưng mức độ dường như không quá nghiêm trọng như các dự báo trước đây, nhất là trong bối cảnh nhà điều hành chính sách sẽ thực hiện hàng loạt các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với trọng tâm chính sách tiền tệ như trên phân tích.
Hiện tại, theo nhận định của VinaCapital, lãi suất tiền gửi ngắn hạn ở Việt Nam đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022 và việc cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 3 vừa qua sẽ tạo thêm đà tiếp tục giảm lãi suất huy động. Do đó, trong quý 2 và quý 3 sẽ có nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và người gửi tiết kiệm sẽ phải lựa chọn tái tục tiền gửi với lãi suất thấp hơn (phần lớn tiền gửi ở Việt Nam có kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng) giúp chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng đi xuống trở lại.
Đây được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực nhất lên hoạt động của các ngân hàng, khi không chỉ giảm bớt áp lực lên nguy cơ biên lãi thuần (NIM) bị thu hẹp mà lãi suất huy động thấp hơn dẫn đến lãi suất cho vay sẽ dần thấp hơn, giúp giảm bớt rủi ro nợ xấu gia tăng, đồng thời thúc đẩy tín dụng tăng trưởng nhanh hơn khi kích thích nhu cầu vay tăng trở lại.
Đối với VPBank, đây chính là “lợi kép” khi ngân hàng có cơ sở tiếp tục giữ vững NIM hàng đầu trong khi bộ đệm dự phòng rủi ro dày với chi phí dự phòng hợp nhất tăng 55% trong quý 1 sẽ được bù đắp lại ở lợi nhuận các quý sau khi nền kinh tế phục hồi tích cực, cải thiện năng lực trả nợ của khách hàng, nhất là ở phân khúc tài chính tiêu dùng.
Với nền tảng kinh doanh và thị phần vững vàng, đi đôi với tiềm năng rộng mở của tại thị trường gần 100 triệu dân, VPBank có cơ sở khi đặt niềm tin vào sự hồi phục trở lại của FE Credit trong các quý tới của năm 2023 và các năm tiếp theo.
Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ có những diễn biến tích cực nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc trong các quý sau khi thách thức đã dần dịu đi. VPBank với quy mô khách hàng liên tục mở rộng và nền tảng vốn lớn sau thương vụ phát hành riêng lẻ được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tích cực trong những quý tới và đạt mục tiêu đã đề ra.