Chứng khoán châu Á trong một năm 2023 đầy biến động
Năm 2023 là một năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu. Áp lực về lạm phát cùng đà tăng lãi suất của Fed đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.
Tại châu Á, theo thống kê từ Refinitiv, Nhật Bản đang dẫn đầu khi mà chỉ số Nikkei 225 ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gần 30% trong năm ngoái.
Sự tăng trưởng của chứng khoán Nhật Bản được đánh giá là nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện. Kỳ vọng của nhà đầu tư tại đất nước này đối với việc ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm đã kéo dài trong hàng thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Hong Kong lại ghi nhận chỉ số tăng trưởng kém khả quan nhất trong khu vực. Trong năm 2023, Hang Seng ghi nhận giảm 14%, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp sụt giảm của thị trường này.
Đà hồi phục chậm của nền kinh tế Trung Quốc cũng được ghi nhận trong năm qua. Chỉ số CSI 300 niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến đứng top 3 chỉ số kém nhất tại châu Á, giảm 11,4%.
Dù vậy, theo một số đánh giá phân tích, thị trường chứng khoán châu Á trong năm 2024 vẫn sẽ có những điểm sáng tích cực bất chấp tình trạng khó khăn của năm 2023. Theo đánh giá của Pinebridge Investments, thị trường châu Á vẫn có động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Pinebridge Investments khuyên các nhà đầu tư không nên bỏ qua hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đó Trung Quốc đang tập trung vào một số doanh nghiệp nhất định khi nền kinh tế dần có sự ổn định trở lại. Còn Ấn Độ thì đang vượt lên dần trong nhiều lĩnh vực.
Công ty trên ước tính nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2023 và 4,2% vào năm 2024, trong khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới thấp hơn, lần lượt là 3% năm 2023 và 2,9% năm 2024.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ ra sao?
Những biến động của thị trường chứng khoán châu Á cũng sẽ có tác động nhất định tới Việt Nam. Cụ thể, theo Hebe Chen, nhà phân tích của IG International thì trong năm 2024, lạm phát có thể tiếp tục hạ nhiệt, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức vừa phải. Đây sẽ là cơ hội cho các ngành như năng lượng và nguyên liệu thô.
Theo Hebe Chen, một chu kỳ phát triển công nghệ toàn cầu mới đang hình thành. Trong khi đó Việt Nam, Đài Loan, Singapore đều đang là những nền kinh tế có thể hưởng lợi nhờ sự tập trung cao vào cơ sở sản xuất và nghiên cứu. Đơn cử như Việt Nam và Singapore đang sản xuất các sản phẩm công nghệ cho những thị trường ngoài Trung Quốc. Do đó 2 thị trường này sẽ không chịu ảnh hưởng từ sự suy thoái tại đất nước tỷ dân này.
Trên thực tế, tại thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, năm 2023 vẫn ghi nhận một số dấu mốc đáng chú ý. Cụ thể, tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 602 mã giảm giá. Số lượng mã tăng giá là 998 mã, cao hơn hẳn lượng giảm giá.
Trong số gần 1.000 mã cổ phiếu tăng giá, có 364 mã tăng giá trong biên độ dưới 15%. Có 558 mã cổ phiếu tăng giá trong biên độ dưới 100% và trên 15%. Ngoài ra, có 76 mã cổ phiếu tăng giá trên 100% trong năm 2023.
Đối với vàng, tại ngày 26/12/2023, vàng miếng SJC đã lập đỉnh mới với mức giá lên tới 80 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay. So sánh với thời điểm đầu năm thì vàng đã tăng giá khoảng 15%. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là một kênh đầu tư tiềm năng đối với các nhà đầu tư.