(QNO) – Sau 5 năm mang giống bưởi da xanh ruột hồng về vùng đất đồi Tam Lãnh (Phú Ninh), nông dân nơi đây đã có vụ mùa đầu tiên khả quan.
Khó ai tin vườn bưởi trĩu quả của nông dân Nguyễn Văn Bá (thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh) chỉ 5 năm về trước là đồi trọc cằn cỗi chỉ có cây keo mới sống nỗi. Bằng sự cần cù và quyết tâm với hướng đi mới, ông Bá vượt qua mọi lời bàn ra về việc đất núi Tam Lãnh không thể trồng bưởi.
“Đất đồi núi xấu, khí hậu oi bức nên nói chuyện trồng bưởi ai cũng lắc đầu. Nhưng cây keo thì giá trị không cao, làm đất bạc màu nhanh nên phải tìm loại cây nông nghiệp dài ngày thay thế. Khi UBND xã, Hội Nông dân xã Tam Lãnh có dự án hỗ trợ, tôi thấy phù hợp nên làm” – ông Bá nói.
Sau khi được tham quan mô hình bưởi ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành), vợ chồng ông Nguyễn Văn Bá về quần quật phát dọn vườn, làm hệ thống tưới… rồi mua cây giống chất lượng về trồng. Vụ mùa này, vườn bưởi của ông đạt cho quả lần đầu nên năng suất vẫn chưa như kỳ vọng, tuy nhiên, cây cho quả căng mọng, vị ngọt thanh là tín hiệu khả quan.
“Mỗi gốc cho từ 5 – 10 quả trong vụ thu hoạch đầu tiên khiến gia đình rất vui. Sản lượng này chưa thể bán sỉ nhưng đủ để gia đình có thêm thu nhập. Tôi tin tưởng các vụ sau khi cây đã quen thổ nhưỡng sẽ cho năng suất cao hơn” – ông Nguyễn Văn Bá nói.
Tương tự, ông Phan Như Phi cũng cho biết: “Cây bưởi chỉ mới phát triển tương đối ổn định, cho trái lác đác vì thời tiết quá khắc nghiệt. Để chống chọi lại mưa gió và có giá bán ngoài thị trường cao hơn, chúng tôi đang thử nghiệm theo hướng cho bưởi ra quả trái vụ”.
[VIDEO] – Ông Nguyễn Văn Bá:
Ông Nguyễn Văn Sự – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, sau khi UBND huyện Phú Ninh phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020. UBND xã làm việc phối hợp với Công ty CP Đầu tư và phát triển Đất Quảng Star xây dựng dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn xã Tam Lãnh.
Đến tháng 7/2018, UBND xã thông báo rộng rãi, tổ chức cho nông dân đăng ký và triển khai thực hiện. Và trước khi thực hiện dự án, các hộ dân được tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng bưởi, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.
Giai đoạn 1, có 2.200 gốc bưởi được trồng trên diện tích 5,5ha của 10 hộ dân ở thôn An Lâu và Đàn Thượng. Và giai đoạn 2, chuỗi liên kết sản xuất phát triển thêm 21 hộ tham gia trồng 5ha với 2.000 gốc ở thôn Đàn Thượng, An Lâu, Bồng Miêu, Trung Sơn, Phước Bắc.
Công ty CP Đầu tư và phát triển Đất Quảng Star đã bố trí cán bộ kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi cho các hộ dân tham gia dự án theo định kỳ hằng tháng, kịp thời phát hiện tình trạng cây trồng mắc một số bệnh thường gặp trên thân cây bưởi để chữa trị.
Tuy nhiên, hành trình đưa cây bưởi về trồng trên đất Tam Lãnh vẫn còn nhiều gian nan. Nhiều cây kém phát triển hoặc thất thu do khí hậu khắc nghiệt, kỹ thuật chăm sóc không đúng, trồng xen canh nhiều loại cây trong một khu vườn dễ xảy ra dịch bệnh…
“Lồng ghép nhiều nguồn, Tam Lãnh đã đầu tư hơn 1,6 tỷ hỗ trợ phân bón, thiết bị sản xuất, nông cụ, cây giống, tập huấn kỹ thuật… cho dự án trồng bưởi da xanh ruột hồng.
Tuy nhiên, vẫn còn 13 hộ có cây trồng sinh trưởng kém là các trường hợp có diện tích nhỏ, chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, thiếu nước. Nếu nông dân chuyên tâm vào mô hình thì giống cây nông nghiệp dài ngày này sẽ là nguồn thu nhập lâu dài cho nhân dân địa phương” – ông Nguyễn Thế Vinh nói.
[VIDEO] – Bưởi da xanh ruột hồng trồng trên đất Tam Lãnh: