Trong không khí hân hoan kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và Ngày Giải phóng Thủ đô, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng nhóm họa sĩ Latoa Indochine tổ chức triển lãm tranh sơn mài với chủ đề “Mạch Di Sản”. Triển lãm trưng bày hơn 60 tác phẩm tranh dân gian, được “tái sinh” qua sự kết hợp tinh tế giữa kỹ thuật truyền thống của tranh sơn mài và nghệ thuật sơn khắc hiện đại. Những tác phẩm này không chỉ mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về quá trình công phu để hoàn thiện một tác phẩm.
Các tác phẩm tại triển lãm là sự tái hiện lại dòng tranh dân gian quen thuộc, còn được thổi vào một luồng sinh khí mới, mang đậm dấu ấn của thời đại. Khán giả đến với triển lãm sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm kinh điển như “Vinh quy bái tổ”, “Ngũ hổ”, “Tố nữ”, và “Đám cưới chuột” – bắt nguồn từ dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử dân tộc. Tựa như, “Vinh quy bái tổ” là bức tranh thể hiện cảnh một người đỗ đạt, trở về quê hương để bái lạy tổ tiên, biểu tượng cho lòng hiếu thảo và sự thành đạt trong xã hội phong kiến. “Ngũ hổ” là một tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống, mang sắc thái mạnh mẽ, tượng trưng cho quyền lực và sự bảo hộ, thường được treo trong nhà để trấn trạch, xua đuổi tà ma. “Tố nữ” lại mang một nét dịu dàng, miêu tả những thiếu nữ xinh đẹp, thanh thoát, đại diện cho vẻ đẹp và phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Còn “Đám cưới chuột” là bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ, miêu tả một đám cưới chuột phải cống nạp cho mèo để được yên ổn, qua đó phản ánh sâu sắc những mâu thuẫn và bất công trong xã hội xưa.
Trong lịch sử, những tác phẩm này được thực hiện trên các chất liệu truyền thống như giấy dó với các màu sắc tự nhiên từ cây cỏ, hoa lá, là cách thể hiện của sự giản dị và tinh tế của nghệ thuật dân gian. Trong triển lãm “Mạch Di Sản”, các nghệ sĩ đã giữ lại phần hồn của tác phẩm và tái hiện lại những tác phẩm này bằng kỹ thuật sơn mài khắc, sử dụng chất liệu vóc – một loại gỗ chuyên dùng để khắc tranh, tạo nên sự kết hợp hoàn hảo giữa cái đẹp cổ điển và sức sống hiện đại. Mỗi bức tranh là kết quả của nhiều công đoạn phức tạp, từ thiết kế đồ họa, in ra giấy, sử dụng bột trắng titan để can lên vóc, khắc lõm chi tiết, lên màu, mài tranh bằng nước, đến thếp vàng, thếp bạc để hoàn thiện. Mỗi tác phẩm không chỉ là sự tái hiện một cách khéo léo các giá trị truyền thống mà còn mang đến một cảm xúc mới mẻ, vừa hiện đại vừa giữ được nét tinh túy của văn hóa dân gian, làm sống lại những giá trị văn hóa đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Triển lãm “Mạch Di Sản” diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cũ, 49 Trần Hưng Đạo, kéo dài đến hết ngày 3/9, mở cửa từ 9h đến 17h hàng ngày, từ thứ Ba đến Chủ nhật. Trong thời gian triển lãm, khách tham quan ngoài thưởng lãm những tác phẩm sơn mài tinh xảo còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động trải nghiệm do các nghệ sĩ tổ chức. Những hoạt động này giúp công chúng hiểu rõ hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam,cũng như các công đoạn để tạo ra một tác phẩm tranh sơn mài khắc, từ đó cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
Đây là nơi mà truyền thống và hiện đại giao thoa, là không gian nghệ thuật để người xem cảm nhận sự trường tồn của văn hóa dân tộc qua từng nét vẽ, từng đường khắc tinh tế, mang đến những xúc cảm lắng đọng về những giá trị di sản được thổi hồn một sức sống mới.
Hoàng Anh