Từ ngày 14 đến 21/5, tại Trung tâm triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam, (sỗ 29 Hàng Bài, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm mang tên “Xứ Mường”, của 5 tác giả đều sinh ra, hoặc lớn lên từ cái nôi văn hóa Mường Hòa Bình.
Triển lãm giới thiệu tới người xem 85 tác phẩm đủ các chất liệu và thể tạng từ hội họa đến điêu khắc như gốm, gỗ (điêu khắc); sơn mài, sơn dầu, acrylic tổng hợp (trên toan), hoặc chất liệu hiếm thấy là tranh trên giấy giang (một loại giấy cổ truyền của người Mông), với các phong cách hội họa đa dạng, từ phong cảnh hiện thực, đến biểu hiện và trừu tượng. Các tác phẩm đều được nối dài từ những “mạch ngầm” của văn hóa mỹ thuật và âm nhạc, văn chương của xứ nguyên thủy Việt Mường – Hòa Bình.
Triển lãm được ví như “bản giao hưởng” mỹ thuật Mường hiện sinh đương đại, bởi với 5 tác giả có năm sinh từ đầu 7x đến cuối 8x.
Các tác giả tham gia triển lãm gồm Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Trần Thị Thu (Thu Trần), Trần Trung Dũng, Bùi Văn Đạo và Nguyễn Giang Châu.
Nói về các tác phẩm trưng bày tại triển lãm của mình, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ: “Ngày nay gốm đã trở thành vật liệu và ngôn ngữ nghệ thuật để có thể thử nghiệm những sáng tác vượt ra ngoài kiểu dáng công năng mà cha ông ta đã từng làm. Với đất, nước, men… những vật liệu và kỹ thuật mà cha ông để lại, với cách nhìn và những thử nghiệm mới, tôi hy vọng sẽ kết nối được truyền thống đến hiện đại ngày nay thông qua những tác phẩm được trưng bày.”
Tác giả Trần Thị Thu lại bật mí, các tác phẩm của chị được kết hợp từ chính chất liệu của đất Mường và ngôn ngữ hội họa biểu hiện-trừu tượng để ca ngợi xứ Mường.
Còn họa sĩ Trần Trung Dũng cho biết, anh vẽ về xứ Mường với mong muốn những âm vang, đồng vọng sâu lắng trong vô thức, hình thành những sắc thái trên các tác phẩm của mình.
Cũng lấy cảm hứng từ dòng chảy dân gian xứ Mường, họa sĩ Bùi Văn Đạo đem những nét xưa, những sinh hoạt thường ngày của người Mường xưa, những lễ hội tâm linh vào tác phẩm của mình.
Là người con dân tộc Mường, họa sĩ Nguyễn Giang Châu đưa những hình ảnh cuộc sống thân thuộc của con người, vùng đất Hòa Bình vào tác phẩm, với phương thức chuyển dịch ngôn ngữ tạo hình từ hiện thực tới biểu hiện, và có chút chạm trừu tượng biểu hiện.
(Theo nhandan.vn)