DNVN – Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) Nguyễn Võ Trường An, thị trường carbon là cuộc chơi quốc tế, Việt Nam chỉ có thể triển khai, chứ không được từ chối. Trong bối cảnh này, thị trường carbon đã đánh động tới không ít doanh nghiệp trong nước.
Dư địa thị trường lớn
Theo dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025 đến 2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới.
Ông Hoàng Văn Tâm – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đánh giá, phát triển thị trường carbon là một trong những công cụ hết sức quan trọng để đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Việc phát triển và vận hành thị trường này sẽ là cơ hội để huy động nguồn vốn của xã hội tham gia vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đối với các doanh nghiệp (DN), khi tham gia thị trường carbon cũng như tạo tín chỉ carbon, mỗi một tín chỉ carbon được quy định tương đương với một tấn CO2. Mỗi một tín chỉ đạt các tiêu chuẩn theo quy định của thị trường sẽ được giao dịch trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn mới mẻ và non trẻ trên bản đồ các thị trường tín chỉ carbon trên thế giới. Với dư địa hiện tại về tự nhiên, diện tích rừng, mật độ che phủ rừng cũng như các ngành nông nghiệp hiện tại của Việt Nam nên dư địa về công nghệ, áp dụng công nghệ giảm phát thải trên các ngành nông nghiệp còn rất lớn.
Ngoài ra, những giải pháp chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo cũng đang trong giai đoạn phát triển thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị để giảm phát thải carbon.
PGS, TS Lương Đức Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ, đến nay, các DN xi măng đều đã biết đến việc giảm phát thải CO2. Các DN đều biết từ năm 2026 Nhà nước sẽ chính thức giao hạn mức phát thải carbon cho từng nhà máy xi măng. Các DN đã có sự chuẩn bị khác nhau để đón nhận những quy định mới của Chính phủ cũng như giải pháp để có thể giảm thiểu phát thải carbon trong quá trình sản xuất.
DN đang bắt đầu tích cực sử dụng nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hoá thạch. Ngoài giảm chi phí điện, đã có những DN nghiên cứu thu giữ và chôn lấp CO2 trong quá trình sản xuất clinke xi măng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Võ Trường An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, trong khoảng 2 năm trở lại đây, vấn đề tín chỉ carbon, thị trường carbon và những chủ đề có liên quan bắt đầu nóng lên. Các doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu và tập trung tìm hiểu trong thời gian gần đây.
4 thách thức lớn với doanh nghiệp
Phó Tổng Giám đốc CCTPA Nguyễn Võ Trường An nhấn mạnh, thị trường carbon là cuộc chơi quốc tế. Theo đó, Việt Nam chỉ có thể triển khai, chứ không được từ chối. Trong bối cảnh này, thị trường carbon đã đánh động tới không ít DN trong nước.
Trong khi đó, kể cả về thị trường hạn ngạch, thị trường bắt buộc và cả thị trường tự nguyện thì DN hiện tại đang thiếu rất nhiều yếu tố và thực sự là một thử thách không nhỏ đối với các DN Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu này.
Theo ông An, có 4 thách thức lớn, tương ứng với 4 chữ M đối với DN Việt Nam trong triển khai thị trường carbon.
Chữ M đầu tiên là manpower (con người/nhân lực). Hiện doanh nghiệp đang rất thiếu kiến thức, những kinh nghiệm về biến đổi khí hậu, kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính. Việc thiếu chuyên gia trong trong lĩnh vực tín chỉ carbon là một thách thức rất đáng kể.
Chữ M thứ hai là methodology (phương pháp). Hiện cả DN, chuyên gia, thậm chí là những chuyên gia hàng đầu của quốc tế khi tìm hiểu và có những hỗ trợ về thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam, cũng loay hoay không biết thị trường sẽ được vận hành như thế nào giữa thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện.
Chữ M thứ ba là Monney (tài chính). Đầu tư cho công nghệ giảm phát thải, chuyển đổi xanh cực kỳ lớn và lớn hơn những công nghệ truyền thống hiện tại rất nhiều. Làm thế nào để DN có được tài chính, có được những khoản hỗ trợ về tài chính để có thể đầu tư công nghệ, qua đó góp phần vào mục tiêu Net Zero, đạt được mục tiêu giảm phát thải của doanh nghiệp là điều Việt Nam đang gặp phải.
Chữ M cuối cùng là Machine (máy móc, thiết bị). Khi đã có giải pháp, tài chính thì việc đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ rất đơn giản.
Nêu khó khăn của DN ngành xi măng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, DN ngành xi măng đang lúng túng khi đề cập đến một loại hàng hoá để trao đổi là tín chỉ carbon. Hàng hóa đó được định lượng như thế nào thì hiện nay chưa có công cụ.
“Với những con số về phát thải, chúng tôi đang thuần tuý tính toán từ các quá trình hoá học về mặt kỹ thuật. Tất cả những tính toán này đều phải được luật hoá, phải được quy định bằng văn bản pháp luật của Nhà nước, khi đó DN mới biết được có phát sinh phát thải bao nhiêu và so với hạn mức được giao (hạn ngạch) thì DN thừa hay thiếu. Khi thừa doanh nghiệp có thể đem ra thị trường bán, còn thiếu có thể mua”, ông Long nói.
Hiện tại, theo ông Long, các DN cũng như cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chuyên môn mới đang triển khai. Do đó, ông mong muốn những công cụ, quy định sớm được hình thành để DN có thể xác định được đã đạt hay vượt hạn ngạch chưa. Việc hoàn thành hệ thống công cụ và quy định của Nhà nước cùng những tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn đo đếm, báo cáo MRV rõ ràng thì DN sẽ làm được.
Giới chuyên gia cũng như DN đều cho rằng, trong triển khai thị trường carbon, thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng rất nhiều, quan trọng là tất cả các bên có liên quan phải cùng quyết tâm và ngồi lại với nhau để cho ra được một mô hình thị trường hoạt động hiệu quả.
“Với một thị trường đang có khá nhiều tiềm năng, khá nhiều cơ hội và bên cạnh là những thách thức thì việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước đã có thị trường carbon một cách bài bản cũng như các quốc gia có nét tương đồng như Việt Nam là cần thiết. Hợp tác quốc tế là chìa khóa để Việt Nam mở khóa thị trường carbon, kể cả thị trường carbon tự nguyện và thị trường thị trường carbon bắt buộc ở Việt Nam”, ông An nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/trien-khai-thi-truong-carbon-4-thach-thuc-lon-doi-voi-doanh-nghiep-viet/20240904044135596