Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, đã đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người xuất hiện trên khắp 63 tỉnh, thành với những thủ đoạn tinh vi. Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an cần có các giải pháp quyết liệt và phù hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tội phạm mua bán người gia tăng, ngày càng có nhiều nạn nhân là nam giới
Theo Báo cáo của Bộ Công an tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong 5 năm (từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng.
Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía Bắc.
Nếu trong giai đoạn trước đây (2012-2020), mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ) thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ).
Thời gian gần đây cũng xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Ở một số nơi, nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyên mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.
Nạn nhân của tội phạm mua bán người 73% là phụ nữ, gần đây mua bán nam giới có xu hướng gia tăng; nạn nhân là người dưới 16 tuổi chiếm 17,5%.
Về đối tượng phạm tội, người trên 18 tuổi chiếm 92,3%; đặc biệt 11,4% đỗi tượng phạm tội chính là nạn nhân của các vụ mua bán trước đó; 6,3% đối tượng phạm tội là người thân thích với bị hại. Về mục đích phạm tội được xác định như để bóc lột tình dục, để cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác.
Các thủ đoạn phổ biến hiện nay như lợi dụng môi giới hôn nhân, lợi dụng việc môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài và thủ đoạn khác.
Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống mua bán người
Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ “quyền con người”, bảo vệ “an ninh con người”.
Nổi bật, Ban Chỉ đạo 138/CP đã ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2022 và 2023; chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại 14 địa phương…
Công tác phòng ngừa xã hội, nhất là tuyên truyền về phòng chống mua bán người được triển khai tích cực, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân bị mua bán. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người được triển khai chủ động, quyết liệt.
Tính 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố và tiếp tục điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người; đưa ra xét xử 43 vụ/107 bị cáo…
Quý 3, lực lượng công an đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người. Công an phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra, lực lượng xác định 224 nạn nhân bị mua bán.