Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm phát triển ngành khí tượng thủy văn đảm bảo độ chính xác cao trong các hoạt động dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, hướng đến mục tiêu đảm bảo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ, chất lượng trong công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn. Hoàn thành cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; đảm bảo kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về khí tượng thủy văn; số liệu quan trắc tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được thu nhận sát theo thời gian thực và kiểm soát, lưu trữ theo đúng quy định; tối thiểu 75% số liệu quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được thu nhận, tích hợp vào cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia và cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của tỉnh. Phối hợp thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt theo chỉ tiêu chuyển đổi số của ngành tài nguyên và môi trường.
Phối hợp thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt theo chỉ tiêu chuyển đổi số của ngành tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, lồng ghép trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng vào mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia nhằm bổ sung số liệu, dữ liệu cho hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với mưa, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Tiếp nhận, khai thác, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ các cơ quan chuyên ngành để phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận thông tin phân vùng thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác trong công tác khí tượng thủy văn. Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) khai thác, ứng dụng các nghiên cứu quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh…
Kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định; các nguồn xã hội hóa và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch này. Tham mưu UBND tỉnh triển khai các chương trình, đề án, dự án liên quan để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh nội dung Kế hoạch trong trường hợp cần thiết.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương đề xuất, trình phương án thành lập, nâng cấp, hạ cấp, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai và tổ chức truyền tin, phát các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết trên địa bàn tỉnh do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực cung cấp theo quy định. Tham gia điều tra, khảo sát, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh và lưu trữ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn được giao theo quy định…