5 nhóm tiện ích, gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Qua rà soát, cập nhật mã định danh và căn cước công dân của cán bộ, giáo viên, nhân viên với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến tháng 4/2023, bậc mầm non cập nhật hơn 95,1%; tiểu học 97,4%; THCS 97,8%; THPT 99,7%. Đối với xác thực học sinh: Mầm non 91,9%; tiểu học 93,4%; THCS 92,9%; THPT 99,7%.
Ngành tập trung triển khai nhiệm vụ được phân công tại Đề án 06/CP
Về chuẩn hóa thông tin thuê bao di động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc Sở GD&ĐT đạt 100%; học sinh cấp THPT 60,8%. Tất cả đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT thực hiện chi không dùng tiền mặt. Việc thu học phí không dùng tiền mặt được tập trung triển khai ở 85% trường THPT. Trường mầm non, tiểu học, THCS ở địa bàn đô thị triển khai thuận lợi hơn trường ở vùng sâu, miền núi. Toàn ngành GD&ĐT có 70% công chức, viên chức, người lao động và học sinh hoàn thành đăng ký mã định danh điện tử mức độ 2.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Tuấn Khanh, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của Đề án 06, nhất là mục tiêu tổng thể của đề án; tiếp tục vận động cán bộ, công chức, viên chức ngành GD&ĐT xung kích, đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai thuộc Đề án 06/CP, chuẩn hóa thông tin điện thoại di động, đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID mức độ 2 hoặc đến cơ quan công an để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử cùng căn cước công dân (hoặc cấp tài khoản định danh điện tử khi đã có thẻ căn cước công dân). Từ đó nhân rộng cho người thân, học sinh và cộng đồng cùng thực hiện.
Ngành tăng cường hướng dẫn phụ huynh, học sinh tiếp cận Internet; sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận chương trình, ứng dụng, phần mềm do cơ quan nhà nước cung cấp liên quan thực hiện dịch vụ GD&ĐT, dịch vụ công trực tuyến (đặc biệt là cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ)…
Triển khai lồng ghép trong buổi họp giao ban, định kỳ của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động, phụ huynh, học sinh hoặc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, bộ phận tiếp công dân của các đơn vị; tuyên truyền trực quan (treo pa-nô, áp-phích, băng-rôn tại đơn vị); thực hiện bài viết, clip hướng dẫn, mở chuyên mục trên cổng thông tin điện tử, trên trang mạng xã hội (Zalo, Facebook cá nhân của đơn vị và của cán bộ, viên chức…) nhằm thu hút cộng đồng mạng, người dân quan tâm, theo dõi.
Ngành GD&ĐT tập huấn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh để đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số phục vụ Đề án 06/CP. Hướng dẫn cách tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 (đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công tỉnh) cho người dân; sử dụng các phương thức hỗ trợ trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4, như: Thanh toán trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, sử dụng chữ ký số và dữ liệu cá nhân trong giao dịch trực tuyến, tham gia cấp mã số định danh điện tử.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị, như: Chi lương, thu các loại phí, quỹ đối với cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và thu học phí không dùng tiền mặt. Đồng thời, xây dựng, công bố và triển khai quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại đơn vị chuyển dần sang hình thức trực tuyến/sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; chuẩn hóa thông tin cơ sở dữ liệu ngành (phần nhập liệu của đơn vị) và xác thực với dữ liệu dân cư quốc gia.
HỮU HUYNH