So với các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Giảm nghèo bền vững, thì Chương trình MTQG 1719 có tính đặc thù, không đơn thuần là thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, mà còn là sự tích hợp các chính sách dân tộc còn hiệu lực, bổ sung thêm một số chính sách mới.
Chương trình gồm 10 dự án được tích hợp hầu hết các chính sách dân tộc của giai đoạn trước, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, chuyên môn của các bộ, ngành khác nhau, nên việc điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện rất phức tạp.
Để thực hiện hiệu quả các Dự án, Uỷ ban Dân tộc với vai trò cơ quan thường trực chương trình đã phân công nhiệm vụ tham mưu quản lý dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình do UBDT quản lý đối với các vụ, đơn vị trực thuộc; thường xuyên nắm tình hình, trao đổi về khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương thông qua hoạt động kiểm tra đánh giá, giám sát..
Đến nay, UBDT đã hoàn thành triển khai tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN tại 05 vùng trên cả nước. Các địa phương đã chủ động đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ở các cấp.
Song do Chương trình MTQG 1719 là chương trình lớn được tích hợp từ nhiều chương trình, chính sách. Đây là chương trình lần đầu tiên được triển khai thực hiện, ngoài những vướng mắc về cơ chế chính sách, thì việc triển khai thực hiện chương trình tại nhiều địa phương cũng còn nhiều nhiều lúng túng.
Cụ thể về bộ máy tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719 thì mô hình chỉ đạo, điều hành giữa Trung ương và địa phương chưa đồng bộ. Ở Trung ương, cơ quan thường trực được giao cho Ủy ban Dân tộc, ở cấp tỉnh giao cho cơ quan công tác dân tộc, nhưng đến cấp huyện nhiều địa phương lại không có Phòng Dân tộc như: tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn…
Như tại Lạng Sơn, Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phòng Dân tộc các huyện đã sáp nhập vào phòng Lao động, Thương binh, Xã hội từ năm 2018, nay là phòng Lao động, Thương binh, Xã – Dân tộc. Trong đó, phân công 02 công chức làm công tác dân tộc gồm 01 phó trưởng phòng và 01 chuyên viên. Đối với cấp xã hầu hết phân công công chức văn hóa xã hội kiêm nhiệm công tác dân tộc.
Theo ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn, thì năng lực cán bộ làm công tác dân tộc ở một số xã đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức được giao phụ trách, triển khai, thực hiện công tác dân tộc ở cấp huyện chưa đảm bảo về số lượng ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức triển khai thực hiện.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội cũng như từ thực tiễn nắm tình hình ở địa phương cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thì nguyên do nhận thức của một số bộ phận cán bộ, đảng viên về nội dung, mục tiêu, ý nghĩa và trách nhiệm còn chưa cao. Năng lực cán bộ, quản lý Chương trình, trách nhiệm của một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, với 8 chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ về cơ chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động điều chỉnh vốn, danh mục các dự án, chính sách không còn đối tượng, hoặc khó giải ngân sang các dự án, chính sách khác, góp phần thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, dự án.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn này, cần bám sát chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, và tiếp tục thực hiện, triển khai đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 đã được Quốc hội Khóa 14 ban hành.
Cũng theo bà Cao Thị Xuân, cần có sự khảo sát kỹ để thiết kế chính sách cho phù hợp, tránh tình trạng khi ban hành khó thực hiện. Ưu tiên nguồn lực và có giải pháp phù hợp cho các nhóm chính sách liên quan đến đầu tư trực tiếp cho con người như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo… Nhóm này có đặc điểm là khó triển khai nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả nhanh, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào.