Ngày 24-5-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Những năm gần đây, xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh”.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá còn diễn ra tương đối phổ biến. Điển hình là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá còn cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá còn chưa được thực hiện thường xuyên. Dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống tác hại thuốc lá còn hạn chế và chưa được quan tâm tại các cấp, các ngành.
“Thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn nêu rõ.
Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 đặt mục tiêu chung là: “Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra”.
Các mục tiêu cụ thể được xây dựng để phù hợp với các giai đoạn thực hiện Chiến lược. Theo đó, đến năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Đồng thời tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn đề nghị các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như: Ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên, qua đó cũng trực tiếp hạn chế nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, các chất ma túy thông qua hình thức này.
Bên cạnh chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện, cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm tra, xử phạt về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Đồng thời, tăng cường, đổi mới, đa dạng hoá hình thức trong truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ sở giáo dục;…
Tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam. Hiện mỗi ngày các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh khám chữa bệnh cho từ 6.000 đến 8000 bệnh nhân, trong đó 70% là các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, qua phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, gần đây, nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. Vì thế, cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp để thế hệ trẻ không vướng vào thuốc lá điện tử.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, qua việc việc tổ chức tư vấn và cai nghiện thuốc lá cho thấy, các bạn trẻ hút thuốc lá điện tử chịu những tác dụng phụ của thuốc lá điện tử là sự hưng phấn quá nhiều. Vì thế, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp cận với dịch vụ cai nghiện thuốc lá và cần hỗ trợ hơn cho tư vấn cai nghiện thuốc lá điện tử…