Năm 2023, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, đồng thời cũng là ngày Vi chất dinh dưỡng. Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6-59 tháng được uống 1 liều Vitamin A, trẻ từ 24-59 tháng được tẩy giun định kỳ; tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6-35 tháng tuổi được uống 1 liều Vitamin A.
Vitamin A là một vi chất dinh dường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ. Vitamin A tham gia vào quá trình phân chia tế bào, do vậy nó giúp cho trẻ tăng trưởng và phát triển thể chất bình thường. Vitamin A cũng tham gia vào chức năng nhìn của mắt. Nếu trẻ bị thiếu Vitamin A, khả năng nhìn của trẻ trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ giảm, hiện tượng này được gọi là bệnh “quáng gà”. Vitamin A còn cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, tuyến nước bọt, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu.... Vì vậy thiếu Vitamin A gây khô da, sừng hóa và nếu tổn thương ở mắt thì gây “khô mắt”. Khi các tế bào biểu mô bị tổn thương cùng với sự giảm sút sức đề kháng còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Chính vì thế, khi thiếu Vitamin A, trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.
Vì Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nên hằng năm, Bộ Y tế đều tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6-54 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; đợt 2 vào tháng 12). Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao. Trong thời gian qua, các chiến dịch bổ sung Vitamin A đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù loà do thiếu Vitamin A vào năm 2000, đó là một thành tựu hết sức to lớn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của Bộ Y tế, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch uống Vitamin A năm 2023, theo đó đặt ra yêu cầu đảm bảo trên 98% số trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống Vitamin A 2 lần/năm; duy trì bổ sung Vitamin A cho phụ nữ sau sinh trong vòng 01 tháng và trẻ dưới 5 tuổi bị một số bệnh làm tăng nguy cơ thiếu Vitamin A (sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp mãn, suy dinh dưỡng và các bệnh nhiễm trùng nặng khác,...); triển khai chiến dịch trên địa bàn toàn tỉnh nhanh, gọn, hiệu quả và đảm bảo đúng chuyên môn, kỹ thuật.
Theo kế hoạch, Chiến dịch uống Vitamin A năm 2023 được tổ chức trong 02 đợt trên phạm vi toàn tỉnh: Đợt I vào ngày 01 và 02/6 (ngày Vi chất dinh dưỡng); đợt II vào ngày 01 và 02/12. Theo đó, trẻ từ tròn 06 tháng đến 11 tháng 29 ngày tuổi được uống liều duy nhất 100.000 IU (viên màu xanh); trẻ từ tròn 12 tháng đến 35 tháng 29 ngày tuổi được uống liều duy nhất 200.000 IU (viên màu đỏ); bà mẹ sau sinh trong vòng 01 tháng đầu sẽ uống liều duy nhất 200.000 IU. Tiếp tục bổ sung Vitamin A cho trẻ có nguy cơ cao thiếu Vitamin A (liều duy nhất theo cách tính như trên). Đối với trẻ được chẩn đoán chắc chắn nhiễm Sởi thì bổ sung Vitamin A cho trẻ theo Quyết định số 1327/QĐ-BYT, ngày 18/4/2014 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh Sởi.
Theo dự kiến, năm 2023, toàn tỉnh cần 159.754 viên Vitamin A ở cả 2 loại 100.000 IU và 200.000 IU; ngoài số lượng còn tồn kho, toàn tỉnh cần mua thêm 124.597 viên loại 200.000 IU/viên và 14.755 viên loại 100.000 IU/viên. Tỉnh sẽ cấp ngân sách để mua toàn bộ số Vitamin A cần bổ sung năm 2023.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về việc tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo cung ứng Vitamin A và tổ chức triển khai tổ chức uống Vitamin A trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra các đơn vị như Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Trung tâm Truyền thông tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt Chiến dịch. Tất cả nhằm đảm bảo cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em địa bàn tỉnh (đặc biệt là thiếu Vitamin A); nâng cao kiến thức, thực hành về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ nuôi con nhỏ.
Nguồn
Bình luận (0)