Ngày 28/6 tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo – Cơ hội, thách thức việc làm cho lao động nữ và nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp tư nhân”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong 3 năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ chưa từng thấy trong những phát triển mới về trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Vinh cho rằng, phát triển AI nói riêng và chuyển đổi số nói chung sẽ trở thành một chiến lược quan trọng, tích hợp cùng với chiến lược phát triển bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và sức chống chịu của doanh nghiệp, qua đó đảm bảo tương lai tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, ông cũng Vinh lưu ý về tác động của AI tới tương lai việc làm đối với người lao động. Ông cho biết, tại báo cáo mới đây của Viện toàn cầu McKinsey về trí tuệ nhân tạo và tương lai việc làm ở Mỹ cho rằng, phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn 50% so với nam giới trong cuộc đua AI.
Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động, có mặt ở hầu hết các ngành nghề, nhưng tập trung nhiều trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bán lẻ, sản xuất…
Theo một báo cáo của Goldman Sachs, 70% công việc mà AI có thể gây tác động là do phụ nữ đảm nhiệm – điều này có nghĩa phụ nữ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới. Không dừng lại ở đó, nếu nhìn vào cơ cấu thành phần kinh tế với 98% tổng số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, có tới 20% trong số các doanh nghiệp này do phụ nữ làm chủ.
Những con số này cho thấy mức độ ảnh hưởng đáng kể mà việc ứng dụng, phát triển AI có thể tạo ra tương lai việc làm của nữ lao động và doanh nghiệp do nữ làm chủ tại Việt Nam.
Ông Vinh cho rằng, sự thiếu hụt trầm trọng nữ giới trong lĩnh vực phát triển AI là một trong những nguyên nhân dẫn đến chính AI lại đưa ra những đánh giá có tính định kiến giới khi được yêu cầu. Do đó, thúc đẩy, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trí tuệ Nhân tạo tại FPT Software, ở doanh nghiệp này, tỷ lệ phái nữ chiếm 30%, cao hơn so với mặt bằng chung của ngành. Ngoài ra, tỷ lệ phái nữ tham gia vào lĩnh vực AI cũng rất cao, đặc biệt trong khối quản lý. Phụ nữ hoàn toàn có cơ hội lớn trong lĩnh vực AI, và muốn được chia sẻ các bí kíp để giúp các lãnh đạo và lao động nữ giới ứng dụng sức mạnh AI để có công việc hiệu quả hơn.
AI không chỉ là xu thế tất yếu mà còn có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thế hệ lao động và lãnh đạo mới, đặc biệt là phụ nữ. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết toàn diện và sâu sắc về AI nhằm tận dụng tối đa cơ hội và đối phó với những thách thức mà AI mang lại. Các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân cần nhìn nhận rõ vai trò của AI, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo hoặc có lực lượng lao động nữ lớn.
Việc hiểu biết toàn diện về AI ở cả hai mặt cơ hội và thách thức trở thành nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp có tỷ lệ lực lượng lao động nữ cao và đang tập trung phát triển đội ngũ nữ lãnh đạo.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE), cho biết xây dựng môi trường làm việc công bằng và hòa nhập cho tất cả mọi người là mục tiêu VBCWE luôn nỗ lực cùng các doanh nghiệp hướng tới.
VBCWE muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức và có chiến lược ứng phó phù hợp làm cho quá trình chuyển đổi AI trở nên toàn diện hơn, vừa phát huy được lợi ích của công cụ vừa bảo vệ công việc của mọi người, nhất là những lao động nữ, và đảm bảo sự bình đẳng tại nơi làm việc.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tri-tue-nhan-tao-dang-dinh-kien-gioi-voi-phu-nu-2296257.html