Nam Định là quê hương của nghề phở, món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được thực khách trong và ngoài nước yêu thích.
Phở Nam Định có sự khác biệt so với phở ở các vùng khác, với nước dùng ngọt thanh, thơm ngào ngạt và có hương vị đặc trưng. (Ảnh: Diệu Linh) |
Ngày 9/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định”.
Theo hồ sơ di sản, “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định” được đánh giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của di sản phi vật thể quốc gia với tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của con người, kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Nam Định là quê hương của nghề phở. Đây là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Trải qua thời gian, phở cùng với các tri thức dân gian tạo nên món ăn này đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định; khẳng định giá trị thương hiệu, văn hóa ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu chế biến, từ chuẩn bị, lựa chọn, phối hợp nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng đến chế biến nước dùng, hoàn thiện một bát phở ngon bảo đảm hương vị, chất lượng dinh dưỡng…
Các nghệ nhân giới thiệu nồi phở khổng lồ tại Festival Phở 2024 ở Nam Định. (Ảnh: Diệu Linh) |
Việc “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của di sản; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá ẩm thực “Phở Nam Định”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị tri thức dân gian về thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tri-thuc-dan-gian-pho-nam-dinh-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-282309.html