Diễn viên Trí Quang (Rô) và Kim Huyên (Huệ) – vở “Trả lại lia thia” – sau suất diễn chiêu đãi
Tối 18-8, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã tổ chức suất diễn chiêu đãi vở kịch mới mang tên “Trả lại lia thia” (tác giả Nguyễn Thoại, Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Hoàng Thái Thanh – phó đạo diễn Công Hiển).
Đây là kịch bản dựa theo tác phẩm “Củi mục trở về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Điều thú vị nhất là sự tái ngộ khán giả sau 8 năm đi về giữa Nhật và Việt Nam của diễn viên Kim Huyền.
Cô và nam diễn viên Trí Quang đã có một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc trên sân khấu khi hóa thân vào nhân vật Rô và Huệ.
Nghệ sĩ Ái Như duyên dáng trong vai cô hai Thọ – chủ trại hòm, cố “cưa đổ” anh Rô trong vở “Trả lại lia thia”.
Nếu ai đã đọc “Củi mục trôi về” sẽ hiểu rõ sức mạnh văn chương của Nguyễn Ngọc Tư khiến ta được lắng nghe và cảm thông với số phận con người, thì khi được đưa lên sàn diễn, tác phẩm này lại được diễn giải rõ hơn về lý luận đạo đức.
Hai nhân vật Rô (Trí Quang) và Huệ (Kim Huyền), cùng với các nhân vật khác như: Bảy Thọ (chủ trại heo – NSƯT Thành Hội), Thọ (chủ trại hòm – Nghệ sĩ Ái Như), Toán (Nguyễn Long), Năm Mỏ (Huỳnh Thiện Trung – Thế Hải)… đã làm đầy đặn hơn bức tranh về đời sống vùng sông nước Thổ Sầu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Diễn viên Huỳnh Thiện Trung (Năm Mỏ) và Trí Quang (Rô) trong vở “Trả lại lia thia”.
Đặc biệt, Kim Huyền sau dấu ấn của vở “Người đàn bà uống rượu” từng tỏa sáng trên sân khấu kịch Hồng Vân, sức diễn của cô vẫn đầy nội lực. Nhất là cô sống với dáng đi xiêu vẹo do bị tật nguyền của vai Huệ, khiến khán giả không thể xót thương nhân vật và yêu sự quay lại sàn diễn của cô.
Trí Quang rất đời trong vai anh Rô bị tù oan, bị cả xóm căm ghét, bị mọi thứ oan nghiệt nhưng vẫn thủy chung với người mà anh yêu.
Trí Quang chính là hình tượng nghệ thuật bổ sung cho Kim Huyền, làm nên một cuộc trao trả con cá lia thia, món quà của tình yêu chóm nở từ hai tâm hồn lửa đôi trong sáng. Để rồi sau 18 năm dài chịu nhiều đau khổ, họ đối mặt trong tủi hờn, đau xót.
Thiết kế sân khấu của vở “Trả lại lia thia” rất đẹp, tạo không gian miền quê sông nước rất đời
Huỳnh Thiện Trung diễn vai Năm Mỏ là mang một bi kịch của số phận đi tu nhưng không phải để “giữ chùa” theo ước nguyện của bà nội, mà là “trả cái nợ lương tâm” đã dằn vặt anh trong đau khổ.
Nếu truyện chỉ có ba nhân vật: “gã”, “thầy” (tu) và “cô” thì kịch được kể rất sinh động, có mâu thuẫn, có xung đột và có cả những khoảng trống để người xem lấp đầy suy nghĩ.
Tất cả các diễn viên tham gia vở “Trả lại lia thia” của sân khấu Hoàng Thái Thanh, trong đó có một số học viên do Thành Hội, Ái Như đào tạo, hứa hẹn bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho sân khấu kịch được giới chuyên môn đánh giá là nghiêm túc và đạt chất lượng nghệ thuật
Điểm gần gũi của vở diễn chính là bối cảnh đã tạo không gian nghệ thuật gắn với thân phận con người. Ở đó, những số phận trớ trêu, đầy cay đắng được các nghệ sĩ thể hiện rất đẹp.
Xem vở, yêu nhân vật của Kim Huyền, Trí Quang và cảm sâu sắc hơn cách đặt vấn đề của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về trăn trở trước lỗi lầm và chọn thái độ sống của những người đàn ông thân như củi mục nhưng sống chung tình.
Vở kịch gửi gắm thông điệp, trong tình thương sâu sắc giữa người và người, hãy biết trả lại cho nhau món nợ ân tình để được làm người tử tế.