Bệnh nhân N.T.H. (54 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM) có tiền sử bị suy thận mạn giai đoạn cuối kèm tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu, hiện điều trị chạy thận định kỳ 3 lần/tuần.
Theo lịch hẹn, ngày 20/3, bà có lịch chạy thận, nhưng vì bận dự tiệc cưới, nên bà dời lịch chạy thận sang hôm sau. Trong bữa tiệc, bệnh nhân vì quá vui mà không tuân thủ chế độ ăn kiêng dành cho người suy thận mạn.
Hậu quả là sau khi trở về nhà ít phút, bà H. xuất hiện các biến chứng nặng, phải nhập viện ngay trong đêm với tình trạng khó thở, đau đầu, chướng bụng. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân đã ngưng tim, Glassgow (thang đo hôn mê) của bà ở mức 6 điểm.
Các bác sĩ hội chẩn, đặt ống nội khí quản, hồi sức tim phổi, dùng thuốc vận mạch liều cao và các thuốc điều trị chuyên biệt, lọc máu thải độc cho bệnh nhân. Sau 4 giờ, sức khỏe bệnh nhân dần cải thiện. Bà mở mắt, nghe hiểu y lệnh, thở êm, huyết áp ổn định nên được cai máy thở và tiếp tục điều trị chạy thận theo lịch định kỳ.
Người bị chạy thận cần tuân thủ điều gì?
ThS.BS Vũ Lệ Anh, Trưởng Khoa Nội thận, khuyến cáo người bệnh thận mạn giai đoạn cuối cần tuân thủ chạy thận đủ giờ, đúng lịch. Bỏ lịch chạy thận, bệnh nhân gặp nguy hiểm như quá tải dịch dẫn đến cơn tăng huyết áp, nôn ói, mệt mỏi; dư nước gây phù phổi; tăng kali máu ảnh hưởng đến nhịp tim, ngưng tim…
Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn nhạt, hạn chế đồ ăn thức uống chứa nhiều kali. Uống thuốc đúng toa và kiểm soát tốt các bệnh lý nền kèm theo.
Suy thận mạn là bệnh lý thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng. Vì vậy, điều quan trọng là cần phát hiện bệnh sớm. Ba nhóm có nguy cơ cao là người bị đái tháo đường, người tăng huyết áp, người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, cần tầm soát sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa bệnh suy thận
Thiết lập lối sống lành mạnh
Chúng ta cần phải luyện tập thể thao hàng ngày để có thể duy trì cân nặng và nâng cao sức khoẻ. Bên cạnh đó, cần bạn cần theo dõi thường xuyên và duy trì chỉ số huyết áp ở mức cho phép. Đồng thời, kiểm soát lượng acid uric, glucose và cholesterol có trong máu. Đặc biệt, bạn không nên sử dụng thức uống có cồn như: rượu, bia và các chất kích thích.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Giảm lượng muối, đạm và dầu mỡ nạp vào cơ thể trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, bạn cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như các loại rau, củ, quả có lợi cho sức khỏe.
Uống đủ nước
Mất nước khiến giảm lưu lượng máu đến thận, có thể làm suy giảm chức năng của thận. Do đó, uống đủ nước là một trong những thói quen tốt cho thận nói riêng và cơ thể nói chung mà luôn được bác sĩ khuyến khích thực hiện.
Khám sức khỏe định kỳ
Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu thận bị suy giảm chức năng để có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.