Trên đất nước Lào, không có nơi nào mà không có dấu chân của quân tình nguyện Việt Nam, không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh đóng góp của quân tình nguyện Việt Nam.
Sáng 25/10, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học “Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào – Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Cách đây 75 năm, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và mang danh nghĩa là Quân tình nguyện.
Giúp nước bạn là mình tự giúp mình, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, cùng với nước bạn Lào chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi vẻ vang.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định những cống hiến, hy sinh to lớn của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trực tiếp củng cố và xây đắp nên truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam – một biểu tượng đoàn kết quốc tế vô sản, mẫu mực có một không hai trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Với tất cả sự khiêm tốn của quân nhân cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào khi đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Lào.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh dẫn lại các câu nói về quan hệ hai nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua, Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” hay Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã từng khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt – Lào sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết hội thảo là dịp để nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về lịch sử, những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước, qua đó, quyết tâm gìn giữ và phát huy sức mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, năm 1954, Trung ương Đảng cử đoàn cố vấn quân sự (Đoàn 100) sang giúp cách mạng Lào. Những năm sau đó, Việt Nam lần lượt cử các đoàn chuyên gia quân sự 959, 463 và 565; các đoàn Quân Tình nguyện 335, 316, 763, 766, 866, 968 sang giúp Cách mạng Lào tác chiến, xây dựng căn cứ cách mạng, phát triển lực lượng.
Sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp cách mạng Lào giành thắng lợi trong các chiến dịch: Nậm Thà (1962), 128 và 74A (1964), Nậm Bạc (1968), Mường Sủi (1969), Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (1969 – 1970), Đường 9 – Nam Lào (1971), Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (mùa mưa 1972)…, buộc Mỹ và phái hữu Lào phải ký Hiệp định Viêng Chăn (21/2/1973), tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Lào đấu tranh giành chính quyền, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975).
Năm 1975, cách mạng Lào giành thắng lợi, Quân Tình nguyện và chuyên gia quân sự từng bước rút về nước.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh, lịch sử quan hệ quốc tế có nhiều mối quan hệ hợp tác, liên minh, tương trợ lẫn nhau nhưng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào – Việt là mối quan hệ đặc biệt, có một không hai trên thế giới.
Đoàn kết, liên minh chiến đấu Lào – Việt trong chiến đấu chống kẻ thù chung là một minh chứng rõ ràng, tiêu biểu cho giá trị của mối quan hệ đặc biệt, vô song đó.
Đại sứ bày tỏ, trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 – 1975) và những năm sau này, QĐND Việt Nam đã kề vai, sát cánh chiến đấu, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” cùng quân đội và nhân dân Lào giành nhiều thắng lợi to lớn.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã khẳng định: “Trên đất nước Lào, không có nơi nào mà không có dấu chân của Quân tình nguyện Việt Nam, không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh đóng góp của Quân tình nguyện Việt Nam”.
Nhân dân các dân tộc Lào tin yêu, coi cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam như người thân, ruột thịt trong gia đình.
Tướng Hoàng Kiền: ‘Mở đường Trường Sơn, nhân dân Lào giúp đỡ vô tư, không hề đòi hỏi’
Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào: Sự hy sinh hiếm có
“Trên thế giới, ít thấy nước nào cho nước khác mượn đất để phục vụ cho cuộc chiến tranh của mình”, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nói tại buổi gặp mặt truyền thống Trường Sơn đoàn kết chiến đấu Việt – Lào ngày 8/9.
Hình ảnh Bác Hồ múa lăm vông cùng Quốc vương Lào
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tren-dat-lao-khong-co-chien-thang-nao-khong-co-hy-sinh-cua-quan-tinh-nguyen-vn-2335349.html