Bất kỳ công ty, doanh nghiệp khi gia nhập thị trường kinh tế đều có bộ phận chuyên trách pháp luật để đảm bảo an toàn về mặt pháp lý, rủi ro ở mức thấp nhất, tư vấn tham mưu chiến lược, giúp công ty phát triển bền vững.
Không phải học ngành Luật ra là làm ở Tòa án, Viện kiểm sát hay Luật sư mà có thể công tác trong nhiều lĩnh vực như: các cơ quan hành chính nhà nước, công an, nhà báo, công chứng viên, kiểm lâm, hải quan, thừa phát lại,… Hiện nay rất nhiều cựu sinh viên luật đang công tác ở các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, sinh viên luật sau khi tốt nghiệp ra trường cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp, làm công tác pháp chế hoặc tham gia giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng,… nhu cầu nhân lực ngành luật hiện nay là rất lớn.
Theo số liệu khảo sát sinh viên sau khi tốt nghiệp hằng năm của Trường Đại học Luật, Đại học Huế có trên 90%, sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Hiện nay, Trường Đại học Luật, Đại học Huế có 6 phòng chức năng, 5 khoa trực thuộc, 3 trung tâm. Trường đang tổ chức đào tạo 2 chương trình đại học Ngành luật và Ngành luật kinh tế, 2 chương trình thạc sĩ là thạc sĩ Luật kinh tế và thạc sĩ Lý luận lịch sử nhà nước và pháp luật và 1 chương trình tiến sĩ Luật kinh tế. Tổng cán bộ, giảng viên của Trường là 201 người, trong đó có 35 cán bộ quản lý, 165 giảng viên. Trong số 165 giảng viên có 16 phó giáo sư, 64 tiến sĩ và 80 thạc sĩ. Trong quá trình học tại Trường, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản về pháp luật, thực tiễn pháp lý và chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên được tiếp cận với thực tế qua việc tham gia trực tiếp các phiên tòa, giải quyết tình huống dựa trên các bản án thật của tòa án.
ThS. Trần Võ Như Ý – Cựu sinh viên khóa 37 Trường Đại học Luật, Đại học Huế, hiện đang công tác tại Phòng pháp chế Công ty Vinaconex 25 (ra trường năm 2017) chia sẻ: “Trường Đại học Luật, Đại học Huế là cơ sở đào tạo chuyên về Luật lớn nhất miền Trung. Nơi vừa có chương trình giảng dạy phù hợp, vừa có một đội ngũ giảng viên gần gũi, kinh nghiệm và luôn tràn đầy nhiệt huyết, lại được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho nhu cầu học tập của sinh viên. Đây là ngôi Trường đã nuôi nấng ước mơ và hoài bảo của tôi, là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội để học tập và hoàn thiện bản thân, được trang bị những kiến thức không chỉ về học thuật, mà còn là kỷ năng nghề nghiệp, kỷ năng mềm để bước vào đời sống một cách vững vàng, tự tin hơn”.
Ông Võ Minh Hoài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh chia sẻ: “Các tập đoàn lớn thuộc những ngành nghề có nhiều nghiệp vụ phức tạp đều cần tới một ban pháp chế am hiểu các văn bản pháp luật của ngành đó để tham mưu, tư vấn cho ban lãnh đạo. Nhân viên pháp chế vừa phải nắm chắc kiến thức luật lại vừa phải am hiểu nghiệp vụ kinh doanh của doanh nghiệp. Môi trường làm việc của nhân viên pháp chế khá năng động, do đó với những bạn sinh viên chưa biết học luật ra làm gì hoặc phân vân trước các ngành kinh tế – luật thì vị trí pháp chế cho doanh nghiệp có thể là một lựa chọn phù hợp với các bạn sinh viên”.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực pháp chế sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, nhu cầu nhân sự ngành luật sẽ rất lớn, tạo cơ hội việc làm dồi dào với mức lương hấp dẫn.
Số liệu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp là rất quan trọng đối với các cơ sở đào tạo, là căn cứ để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo; phản ánh chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo và cũng là cơ sở để doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu. Một cơ sở đào tạo tốt cần phải có những sản phẩm đầu ra tốt. Sản phẩm đó chính là sinh viên phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhà tuyển dụng. Sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp cũng là một chỉ số quan trọng tác động lên chỉ số việc làm chung của cả nước, thước đo quan trọng của nền kinh tế.
Cái Văn Long