Góp ý cho dự thảo luật Đất đai sửa đổi sáng 9.6, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng luật Đất đai là dự án luật “đồ sộ, phức tạp”, cần thời gian nghiên cứu thấu đáo. Song, hồ sơ hoàn thiện gửi đến các đại biểu quá chậm, tờ trình ngày 29.5 mới hoàn thành, cơ quan thẩm tra cũng hoàn thành báo cáo thẩm tra trễ theo, chỉ cách đây 3 ngày mới có.
Ông cũng cho rằng, các nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân không có đầy đủ tài liệu để người dân tham khảo, hiểu sâu, hiểu kỹ về những chính sách được sửa đổi, bổ sung, từ đó có những góp ý cho sát thực.
Đặc biệt, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nêu rõ, trong 12,1 triệu lượt ý kiến góp ý thì theo báo cáo, liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có 1,22 triệu lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có 1,06 triệu lượt ý kiến…
“Thế nhưng, thông tin quan trọng nhất, chẳng hạn trên 1,2 triệu lượt ý kiến góp ý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì bao nhiêu ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo? Tương tự, các nội dung khác cũng như vậy, từ đó đại biểu sẽ nắm được nguyện vọng của cử tri để cân nhắc các ý kiến của mình tại kỳ họp này”, ông Đồng nói, và cho rằng, khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực đất đai lên đến 70 – 80%, với lần sửa luật này phải giảm được.
Về các nội dung cụ thể, đại biểu đoàn Quảng Trị cũng đồng tình với nội dung tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.
Theo dự luật, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. Ông Đồng cho rằng, quy định này đã có phần cụ thể hơn so với dự thảo lần trước xin ý kiến nhân dân, thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.
Pháp luật hiện quy định chặt chẽ, việc quản lý chuyển mục đích sử dụng các loại đất (đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ quy mô trên 20 ha, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) phải được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.
“Việc tập trung quản lý quá mức vào T.Ư như hiện nay không phát huy được sự sáng tạo, chủ động của địa phương, tăng chi phí xã hội”, ông Đồng nói, song cũng cho rằng, không nên suy nghĩ kiểu T.Ư sẽ “buông” việc này cho địa phương.
Cần quy định chế tài khi bồi thường, tái định cư chậm
Góp ý nội dung bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, nếu việc chi trả tiền bồi thường chậm do lỗi cơ quan nhà nước, cần quy định trách nhiệm và có chế tài cụ thể.
Bên cạnh đó, theo bà Thanh, về quy định thu hồi đất cho phát triển kinh tế – xã hội, cần thể chế hóa rõ trường hợp nào thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, trường hợp nào để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cũng đề nghị dự thảo luật giải thích rõ hơn việc thu hồi đất vì dự án phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Lý do, theo ông, việc quy định không rõ dễ dẫn đến lợi dụng thu hồi đất sử dụng không đúng quy định, kém hiệu quả, ảnh hưởng quyền lợi của người sử dụng đất. Ngoài ra, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, khó nhận được sự đồng thuận của người bị thu hồi đất.
Việc ban hành bảng giá đất cũng tác động sâu rộng, ảnh hưởng trực tiếp đời sống địa phương và người dân. Vì thế, cần bổ sung thêm căn cứ về chỉ số phát triển kinh tế – xã hội địa phương như tốc độ tăng trưởng, cơ cấu sử đụng đất, tỷ lệ hộ nghèo…