Ở thời đại công nghệ bùng nổ, tiếp xúc và sử dụng internet sớm đã giúp trẻ chủ động tiếp cận kiến thức mới, mở rộng tư duy, sáng tạo… Tuy nhiên, internet và nhất là mạng xã hội (MXH) phổ biến như: Facebook, Zalo, YouTube, Tik Tok… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiêu cực nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều và thiếu định hướng từ người lớn.
TS Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tâm lý học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống 4.0 Jobway trao đổi với học sinh ở TP.Biên Hòa chuyên đề bảo vệ bản thân trên internet. Ảnh: N.Sơn |
Các chuyên gia cho rằng, không nên cấm và không thể cấm trẻ sử dụng internet, nhưng nên hướng trẻ vào những trang thông tin có nội dung tích cực, phù hợp với lứa tuổi, khuyến khích trẻ dùng internet phục vụ cho mục đích học tập và dạy trẻ kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng để tự bảo vệ mình.
* “Con dao” 2 lưỡi
Thế hệ gen Z (1996-2014) và gen Alpha (2015-2025) là những thế hệ trẻ lớn lên trong thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ số, việc tiếp xúc với các thiết bị thông minh có kết nối mạng internet là điều tất yếu.
Là một người từng học ngành Công nghệ thông tin, hiện đang phụ trách website của một bệnh viện tư nhân ở TP.Biên Hòa, anh Đinh Vũ Vinh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho rằng, nhìn trên khía cạnh tích cực thì internet là một trong những phát minh tuyệt vời bởi khả năng kết nối và tương tác rất nhanh chóng, hữu ích; cho con người cơ hội khám phá nguồn kiến thức vô tận, đặc biệt là ứng dụng từ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Bởi thế, nếu biết tận dụng những lợi ích của internet, trẻ sẽ nâng cao được tư duy và học hỏi được nhiều điều hay từ bên ngoài.
Anh Vinh chia sẻ, trong gia đình, từ hướng dẫn của anh, các con của anh đã biết tận dụng những cơ hội tìm kiếm thông tin, kiến thức ở mọi chủ đề, mọi điều mà các con thắc mắc ngay trên Google hoặc ChatGPT, các video, phim tài liệu khoa học bổ ích, những khóa học trực tuyến ngoại ngữ và nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài ra, internet còn là môi trường kết nối, giao tiếp và chia sẻ rất dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm và thuận lợi nên việc sử dụng internet – nếu biết tận dụng các tính năng tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều trong hoạt động học tập và cuộc sống.
Bà Đỗ Thị Bích Thủy và cháu nội Nguyễn Xuân Hoàng Phúc (TP.Biên Hòa) cùng xem phim hoạt hình bằng iPad trên YouTube. Ảnh: Vĩnh Huy |
Nhiều năm làm giáo viên tiểu học, cô Nguyễn Thị Tuyết (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi để ý trong lớp học, em nào có tiếp cận với internet và sử dụng rành thiết bị thông minh thì em đó có vẻ nhanh nhẹn và sáng tạo hơn. Tôi thấy nếu các em được định hướng trong việc sử dụng internet để tìm kiếm thông tin phục vụ việc học tập hoặc xem, nghe, đọc, chơi những trò chơi lành mạnh sẽ giúp não bộ của các em được rèn luyện tốt hơn về các kỹ năng phán đoán, phân tích và quyết định”.
Không thể phủ nhận những giá trị tích cực từ internet mang lại cho trẻ em trong học tập, vui chơi, giải trí, phát triển bản thân, kết nối với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa, tuy nhiên sẽ tiềm ẩn nhiều tác hại nếu trẻ không được định hướng, giáo dục về sử dụng mạng an toàn.
Năm 2022, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) đã làm một khảo sát về trẻ em sử dụng internet. Kết quả cho thấy có đến 89% trẻ em trong độ tuổi từ 5-14 tuổi sử dụng internet; trong đó có 87% sử dụng hàng ngày và 57% sử dụng từ 5-7 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, có 92% số trẻ ở độ tuổi 15-17 tuổi sử dụng internet nhưng chỉ có 36% trong số này được dạy về an toàn mạng. |
Một nghiên cứu của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) cho thấy, trẻ tiếp cận công nghệ quá sớm nhưng lại thiếu sự quản lý, giám sát cần thiết từ phụ huynh sẽ đem lại nguy cơ nhiều hơn là cơ hội cho trẻ. Việc dành nhiều thời gian vào các trang thông tin không lành mạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhận thức, tâm lý và hành vi của trẻ. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng, tương tác trên MXH dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu người dùng, bị theo dõi hoặc kẻ xấu lợi dụng sự non dạ, cả tin của trẻ để lừa gạt, thao túng tinh thần.
Đến nay em H. (13 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) vẫn còn ám ảnh sau khi bị đối tượng Trần Văn Quy (23 tuổi, quê tỉnh An Giang) “khủng bố” tinh thần. Trước đó, thông qua mạng xã hội, H. quen biết và nảy sinh tình cảm với Quy. Từ tháng 2-2022 đến tháng 12-2022, Quy đã ép buộc H. vào nhà nghỉ quan hệ tình dục. Quy còn dùng điện thoại quay lại và dọa sẽ tung ảnh “nóng” lên mạng, gửi cho gia đình H. biết. Vì quá lo sợ nên H. đã trở thành “nô lệ” tình dục cho Quy. Sau đó, Quy bị Công an tỉnh bắt giữ vì hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
* Trang bị kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng
TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, ở lứa tuổi dưới 15, trẻ chưa đủ nhận thức và lường được hết tác động xấu từ internet và thế giới ảo, bởi thế cha mẹ nên trao đổi trực tiếp với các con về những lợi ích mang lại từ internet, đồng thời định hướng, chọn cho con những trang web lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi để con biết tận dụng internet vào việc học tập, dạy trẻ cách tương tác an toàn và có văn hóa trên không gian mạng. Từ đó, giúp trẻ ý thức về hành vi sử dụng mạng internet một cách lành mạnh.
Những hình thức dẫn dụ lừa đảo phổ biến trên không gian mạng nhắm vào đối tượng trẻ em. Nguồn: Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) – Đồ họa: Đỗ Quyên |
Hiện nay, ngoài những độc hại từ mặt trái của internet đem lại, tội phạm công nghệ cao cũng đang sử dụng MXH để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, dụ dỗ trẻ em. Do đó TS Lê Minh Công khuyến cáo, cha mẹ luôn nhắc nhở các con về 4 nguyên tắc an toàn khi sử dụng internet đó là: không cho biết thông tin cá nhân, không dùng chung mật khẩu, không gặp gỡ người lạ trên mạng và tuân thủ thời gian nhất định cho việc sử dụng internet trong ngày. Đặc biệt, mỗi ngày cha mẹ nên dành thời gian quan tâm, trao đổi, chia sẻ với con tất cả những gì xảy ra trong ngày; khuyến khích, thu hút các con tham gia vào các hoạt động xã hội, chơi thể thao cùng bạn bè… Qua đó gắn kết tình cảm gia đình, giảm thời gian sử dụng internet quá nhiều, nhất là sớm phát hiện các bất thường của trẻ khi sử dụng MXH để can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra
Do đó, trong xã hội công nghệ số, việc chặn và nghiêm cấm trẻ dùng internet, MXH là không thể và không nên. Quan trọng là cha mẹ biết cách chỉ dạy con kỹ năng sử dụng internet an toàn. Để làm được điều này thì cha mẹ cũng cần phải có kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia MXH.
Phương Liễu
.