Trẻ em nằm trong nhóm những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và thiệt hại về môi trường trên toàn thế giới. Các hiện tượng khí hậu cực đoan có thể phá hủy nhà cửa, trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em và các cơ sở hạ tầng trọng yếu đối với sức khỏe và sự an toàn của trẻ. Ủy ban Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc (Ủy ban) đang nỗ lực kêu gọi các quốc gia khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết các thiệt hại và những mối đe dọa tới quyền trẻ em do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương hơn trước những tác động đến sức khỏe của biến đổi khí hậu vì chúng đang trong giai đoạn phát triển về mặt thể chất, nhạy cảm hơn trước các mối nguy hại liên quan đến khí hậu như nhiệt độ thay đổi và chất lượng không khí thấp.
Theo UNICEF, trẻ em ở các nước nghèo và các nước đang phát triển phải chịu tổn thương hơn từ các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai. Khoảng 1 tỷ trẻ em có nguy cơ cực kỳ cao trước tác động của biến đổi khí hậu. Ở Zambia, hạn hán đang gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Ở Kabul, Afghanistan, việc tiếp xúc với ô nhiễm và thời tiết lạnh khiến trẻ em dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Ở Dhaka, Bangladesh, trẻ em phải đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng, hay lũ lụt ở Phnom Penh, Campuchia, khiến trẻ em có nguy cơ mắc những căn bệnh lây truyền qua đường nước và mất an ninh lương thực.
Châu Phi cận Sahara là một trong những khu vực đang chịu thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Theo báo cáo của Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children), trong năm 2022, có ít nhất 1,85 triệu trẻ em ở châu Phi cận Sahara đã di tản nội bộ trong nước. Cũng theo Tổ chức này, những con số đã phơi bày thực tế khắc nghiệt rằng quyền trẻ em trên toàn khu vực đang bị suy yếu tới mức báo động do tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Mặc dù, những quốc gia ở khu vực châu Phi cận Sahara là những quốc gia có tỷ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu thấp nhất so với tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
Nigeria là quốc gia phải chứng kiến cảnh người dân di tản nhiều nhất do lũ lụt xảy ra ở bang Borno và các khu vực khác trong năm qua. Tính đến cuối năm 2022, có ít nhất 854.000 người phải rời khỏi nhà, trong đó, ước tính có khoảng 427.000 trẻ em.
Ở Somalia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai về số người phải di dời do biến đổi khí hậu, hạn hán. Đất nước này đã trải qua năm mùa mưa mà không có lấy một giọt mưa nào. Khoảng 6,6 triệu người, tương đương 39% dân số cả nước đã lâm vào cảnh đói ăn đến mức nghiêm trọng. Tình trạng này đã dẫn đến số lượng lớn người di cư trong nước ở Somalia cao thứ hai trong khu vực.
Không chỉ ở khu vực châu Phi cận Sahara, biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng đến quyền trẻ em mà ở nhiều khu vực trên thế giới, những hiện tượng khí hậu cực đoan đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến các quyền của trẻ em. Tại Hy Lạp, 1.200 trẻ em phải sơ tán khi một trận cháy rừng xảy ra gần khu cắm trại của các em. Tại Mỹ, nhiều trẻ em bị nước lũ cuốn trôi ở bang Kentucky sau trận mưa lũ lịch sử, trong khi đợt nắng nóng cực độ lại gây ảnh hưởng lớn đến Bờ Tây…
Cuối tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên, Ủy ban đưa ra khẳng định rõ ràng quyền của trẻ em là được sống trong một môi trường sạch sẽ, lành mạnh và bền vững, đồng thời đưa ra cách giải thích toàn diện về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên thi hành Công ước về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc. Công ước này được thiết lập năm 1989 và được 196 quốc gia phê chuẩn, công ước nêu rõ các quyền phổ quát của trẻ em như quyền sống, quyền phát triển cũng như quyền về sức khỏe.
Khuyến nghị chung cung cấp hướng dẫn pháp lý về ý nghĩa của các quyền này đối với một chủ đề hoặc lĩnh vực pháp luật cụ thể. “Khuyến nghị chung số 26 về quyền trẻ em và môi trường với trọng tâm đặc biệt là biến đổi khí hậu” hiện đã được công bố, đề cập rõ ràng về tình trạng khẩn cấp về khí hậu, sự sụp đổ của đa dạng sinh học và ô nhiễm lan rộng, đồng thời nêu ra các biện pháp đối phó để bảo vệ cuộc sống của trẻ em.
Trẻ em trên toàn thế giới đang dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, kêu gọi các chính phủ và các tập đoàn hành động để bảo vệ hành tinh và tương lai của họ, bao gồm các biện pháp khẩn cấp cải thiện chất lượng không khí, tiếp cận nguồn nước sạch và giảm phụ thuộc và nhiên liệu hóa thạch. Với Khuyến nghị chung số 26, Ủy ban không chỉ khuếch đại tiếng nói của trẻ em mà còn xác định rõ ràng các quyền của trẻ em liên quan đến môi trường mà các quốc gia thành viên cần tôn trọng, bảo vệ và thực hiện… một cách tập thể và khẩn trương. Khuyến nghị này nhấn mạnh rằng các quốc gia có thể phải chịu trách nhiệm không chỉ về tác hại môi trường xảy ra trong phạm vi biên giới của họ mà còn về tác động môi trường và biến đổi khí hậu ngoài biên giới của họ.
Các chính phủ có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em. Khuyến nghị nêu rõ “những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu” đối với việc thụ hưởng quyền trẻ em “phát sinh nghĩa vụ của các quốc gia phải thực hiện các hành động để bảo vệ trước những tác động đó”. Cần đặc biệt chú ý đến những tổn hại không tương xứng mà trẻ em phải đối mặt trong những hoàn cảnh khó khăn.
Vi Minh