UNICEF cho biết, chưa đến 3% nguồn tài trợ toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhắm vào trẻ em.
Trẻ em ở làng Ga-Mashashane, Nam Phi. (Nguồn: AP) |
Châu Phi – lục địa với 1,2 tỷ dân – là quê hương của một số quốc gia ít chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon nhất nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt.
Theo báo cáo có tiêu đề “Đã đến lúc phải hành động” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ em ở 48 trong số 49 quốc gia châu Phi được đánh giá có “nguy cơ cao hoặc cực cao” trước những cú sốc khí hậu.
Bà Lieke van de Wiel, Phó Giám đốc UNICEF khu vực Đông và Nam châu Phi cho biết: “Rõ ràng là những thành viên nhỏ tuổi nhất của xã hội châu Phi đang phải gánh chịu những tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu”.
Trẻ em là “những người ít có khả năng đương đầu nhất do dễ bị tổn thương về mặt sinh lý và khả năng tiếp cận kém với các dịch vụ xã hội thiết yếu”.
Hơn nữa, các em còn “bị bỏ rơi một cách đáng tiếc bởi các dòng tài chính khí hậu quan trọng cần thiết để giúp các em thích nghi, tồn tại và ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Trẻ em sống ở Nigeria, Guinea, Guinea-Bissau, Chad, Cộng hòa Trung Phi và Somalia là những nơi có nguy cơ cao nhất.
Mối quan tâm chính là khả năng mắc bệnh tật khi trẻ em phải đối mặt với “sự kết hợp nguy hiểm của việc tiếp xúc nhiều hơn với nhiều cú sốc ngày càng nghiêm trọng”.
UNICEF cho biết, chưa đến 3% nguồn tài trợ toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhắm vào trẻ em và kêu gọi cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Bà Lieke van de Wiel khẳng định: “Chúng ta cần chứng kiến sự tập trung tài trợ mạnh mẽ hơn cho nhóm này, để trang bị các em trong việc đối mặt với những gián đoạn do khí hậu gây ra trong suốt cuộc đời”.
Báo cáo của UNICEF được công bố vài ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi lần đầu tiên diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya từ ngày 4-6/9.
Hội nghị được thiết kế nhằm giới thiệu tiềm năng lớn về năng lượng xanh của châu Phi, khởi đầu cho chuỗi các cuộc họp lớn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) về biến đổi khí hậu vào tháng 11 tới tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Với việc thế giới còn lâu mới đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon và cộng đồng đang chịu tác động của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, theo AFP, Hội nghị COP28 sắp tới sẽ bị chi phối bởi các tầm nhìn xung đột về năng lượng.