Tuổi Trẻ Online đã phỏng vấn TS Ngô Xuân Điệp, khoa tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, về mức độ ảnh hưởng đến tâm lý của những trẻ bị bạo hành nhiều như vậy.
* Phóng viên: Một cháu bé 9 tuổi mà đã bị cha dượng đánh đập dã man nhiều lần đến như vậy sẽ gây những ảnh hưởng tâm lý, sự phát triển sau này của trẻ như thế nào, thưa ông?
– TS Ngô Xuân Điệp trả lời: Một đứa trẻ bị đánh đập nhiều lần như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Khi bị đánh đập như vậy, ấn tượng đầu tiên của trẻ về cuộc đời không được tốt. Trẻ sẽ có những rối nhiễu về tâm lý. Trẻ sẽ có những bất thường về suy nghĩ, hành động.
Một đứa trẻ bị bạo hành nhiều đến như vậy thì trong ký ức của trẻ có những tổn thương rất lớn. Trẻ có một sự tổn thương lớn vậy, khi lớn lên sẽ không thể phát triển một cách tự nhiên như những trẻ bình thường khác.
Thường những trẻ bị bạo hành sau này sẽ có cách giải quyết vấn đề bằng bạo hành, dùng bạo hành để đi làm việc với người khác.
Cũng như, những trẻ bị bạo hành nhiều như vậy sau này sẽ không hình thành được sức đề kháng tâm lý. Trẻ sẽ hay nóng giận, bốc đồng, mất kiểm soát, trầm cảm hoặc thụ động, tự ti, đánh giá bản thân thấp hoặc hay quậy phá, tấn công. Do vậy, với một cháu bé bị bạo hành nhiều lần như vậy rất cần được hỗ trợ về mặt tâm lý.
* Trẻ cần được hỗ trợ tâm lý như thế nào, thưa ông?
– Cháu bé này cần được đưa đến các bệnh viện nhi để được hỗ trợ về mặt tâm lý. Khi khám lâm sàng, các bác sĩ mới biết được cần hỗ trợ tâm lý cho trẻ như thế nào.
Nếu không được can thiệp, hỗ trợ tâm lý, trẻ có thể có những ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
* Cháu bé cần được chăm sóc, nuôi dưỡng như thế nào trong thời gian tới?
– Bạo hành này xuất phát từ trong gia đình, nên cách tốt nhất là gia đình cháu bé nhìn nhận được, chăm sóc cháu bé tốt hơn, yêu thương cháu bé nhiều hơn. Nhưng không phải gia đình nào cũng có thể nhìn nhận được và thay đổi ngay lập tức.
Với những gia đình không thay đổi được thì cháu bé rất cần có một tổ chức chăm sóc tốt cho trẻ nhận nuôi dưỡng.
Theo tôi, với trường hợp cháu bé này, đầu tiên người nhà vẫn cần đưa bé đến bệnh viện nhi để được hỗ trợ về mặt tâm lý, xem cháu bé có khó khăn gì, có bị sốc, căng thẳng, hoảng sợ, hoảng loạn gì không…
Từ đó, mới có những biện pháp hỗ trợ tâm lý để bé có thể phát triển tinh thần như những cháu bé bình thường khác. Bên cạnh đó, pháp luật phải vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.
* Những trẻ bị bạo hành nhiều, nếu không được hỗ trợ tâm lý sau này sẽ phát triển theo chiều hướng không tốt?
– Thực tế cho thấy khi hỏi chuyện những người sống trong những trại phục hồi nhân phẩm thì biết được tất cả những người này đều có “vấn đề” trong gia đình như bị bạo hành, bị ghét bỏ… mà sau đó không được hỗ trợ về mặt tâm lý. Do đó, việc chăm sóc tinh thần cho đứa trẻ là một điều rất quan trọng.
Để trẻ có thể phát triển tốt, cần cho trẻ có một tuổi thơ bình yên với nhiều câu chuyện đẹp, cho trẻ sống gần với thiên nhiên, và quan trọng hơn cả là cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương của những người xung quanh, đặc biệt là từ những người thân của trẻ.
* Cảm ơn ông.
Những biểu hiện cần đưa trẻ đi khám ngay
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết trẻ bị bạo hành nhiều lần mà có những biểu hiện sau đây về mặt thể chất và tinh thần kinh thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
Về mặt thể chất, trẻ bị đau nhức, không cử động được (trật, gãy tay chân), nhức đầu ói mửa, nói sảng, rối loạn ý thức (tổn thương hệ thần kinh), thở mệt, khó thở (tổn thương hệ hô hấp), ngất xỉu, tay chân lạnh (tổn thương hệ tuần hoàn), đau bụng nhiều, chướng bụng (tổn thương các nội tạng gan, lách, thận, tụy, dạ dày tá tràng…), trẻ bị sưng bầm da mô mềm khắp người.
Trẻ bị sang chấn tâm lý, tinh thần có biểu hiện bấn loạn, la hét trong khi ngủ, bị trầm cảm, hoảng hốt, thất thần, ảnh hưởng học tập, ảnh hưởng đến các sinh hoạt cuộc sống, khó hoà nhập cộng đồng…
Bé trai bị bạo hành đang tiếp tục được theo dõi thêm
Thông tin về bé trai 9 tuổi bị cha dượng bạo hành, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho hay trước mắt tinh thần cháu bé đã ổn định nhưng đang tiếp tục theo dõi thêm theo yêu cầu của gia đình.
Nói về việc cháu A. bị cha dượng bạo hành nhiều lần, một bác sĩ cho biết có khả năng bé trai sẽ bị chấn thương tâm lý. Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ và cụ thể cần thời gian dài theo dõi mới biết được.
“Ngoài việc chấm dứt hành vi bạo hành, gia đình và giáo viên nên dành nhiều thời gian để ổn định tinh thần bé. Từ đó xóa đi những ám ảnh, chấn thương tâm lý nếu có cho bé”, bác sĩ này nói.