(CTO) – Chế độ dinh dưỡng dư thừa, nhưng thiếu cân đối sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất ở trẻ, khiến trẻ bị béo phì, kéo theo hàng loạt bệnh lý và nguy cơ sức khỏe.
Thường xuyên sử dụng thức ăn dư thừa dầu mỡ khiến trẻ dễ béo phì. Ảnh: THU SƯƠNG
Theo bác sĩ dinh dưỡng Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, trẻ bị béo phì có nguy cơ cao tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành… khi trưởng thành. Trẻ dễ gặp chứng ngưng thở khi ngủ và hội chứng giảm thông khí. Tình trạng béo phì cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây gan nhiễm mỡ, xơ gan, sỏi mật. Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái, tiềm ẩn nguy cơ rối loạn về tinh thần.
Nguyên nhân khiến trẻ béo phì xuất phát chủ yếu từ những sai lầm trong cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ: cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn trong một ngày, ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh hay các thức uống nhiều đường, sữa,… Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại, trẻ ít có môi trường để vận động, vui chơi ngoài trời, thường xuyên nằm, ngồi một chỗ sử dụng các thiết bị điện tử cũng khiến trẻ dễ béo phì. Ngoài ra, trẻ có bố mẹ mắc bệnh béo phì sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 4-8 lần so với trẻ khác. Các chuyên gia cũng đề cập đến khía cạnh tâm lý, những trẻ bị trầm cảm, căng thẳng cũng có nguy cơ béo phì cao hơn trẻ bình thường. Trẻ bị béo phì còn do mắc một số bệnh bẩm sinh hiếm gặp.
Các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, để phòng ngừa trẻ béo phì, ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ cần lưu ý một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý. Hạn chế cho trẻ ăn vặt và các đồ ăn nhanh, đặc biệt là đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ (mỡ động vật, nội tạng động vật, lồng đỏ trứng, gà rán…). Cho các bé ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống nước lọc, hạn chế thấp nhất việc uống các loại nước ngọt có gas. Không nên để trẻ quá đói, sẽ khiến trẻ ăn nhiều vào bữa ăn sau. Chia nhỏ các bữa ăn với lượng vừa phải. Khuyến khích trẻ vận động bằng cách cùng trẻ tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày như bơi, đi bộ, đạp xe… Cha mẹ và con cái cùng nhau làm việc nhà, nấu ăn, chơi đùa, giúp trẻ thói quen tự lập và gắn kết tình cảm gia đình.
Đối với trẻ béo phì, cha mẹ chủ động thay đổi cách chăm sóc dinh dưỡng, vận động cho trẻ để cải thiện từng bước. Theo đó, cho trẻ dùng nước lọc như một đồ uống chính. Cho trẻ ăn sáng mỗi ngày; trẻ ăn cùng bữa với gia đình và khi ăn không xem tivi. Hạn chế ăn vặt, thay vào đó là đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Dành hơn 60 phút/ngày hoạt động thể lực, thể thao đều đặn. Giới hạn dưới 2 giờ/ngày cho tất cả các hoạt động giải trí tĩnh tại như chơi game, xem tivi, sử dụng điện thoại,…
Theo một thống kê ở nhóm trẻ tuổi học đường từ 5-19 tuổi, gần 20% trẻ bị béo phì, tập trung cao nhất ở khu vực thành thị. Tổ chức Y tế thế giới xếp béo phì là bệnh mạn tính, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Trong thực tế, bệnh béo phì chưa được quan tâm đúng mức, do nhận thức sai lệch của người dân và năng lực của hệ thống y tế. Tháng 10-2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2892/QĐ-BYT hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì, áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Qua đó, kêu gọi và thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lối sống, dinh dưỡng và vận động để đẩy lùi béo phì.
THU SƯƠNG