Ông Trần Văn Chung (bìa trái) trao đổi với cán bộ kỹ thuật về hiệu quả thiết bị giám sát tưới ngập, khô xen kẽ cho sản xuất lúa.
Vụ lúa thu – đông là một trong những vụ sản xuất gặp nhiều bất lợi về thời tiết như vào mùa mưa bão; ẩm độ cao dễ xuất hiện sâu gây hại và nhiều bệnh trên cây lúa như đạo ôn, lem lép hạt, bệnh phấn trắng… Tuy nhiên, vụ lúa thu – đông năm 2024, nông dân đạt nhiều thắng lợi về năng suất, chủ động mùa vụ xuống giống…
Nông dân Nguyễn Văn Thu, Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: vụ lúa thu – đông gia đình sử dụng giống ML202 (lúa gà), năng suất trên 7,5 tấn/ha; giá bán 7.800 đồng/kg, lợi nhuận trên 32 triệu đồng/ha. Tình hình sản xuất lúa vụ thu – đông năm nay tương đối tốt, ít sâu bệnh gây hại…
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Cần (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần) cho biết: tình hình sản xuất lúa vụ thu – đông năm nay tương đối ổn định, nông dân và thành viên HTX đã nắm bắt và ứng dụng tốt khoa học – kỹ thuật trong canh tác; đặc biệt là giá vật tư nông nghiệp ổn định và HTX có liên kết hợp đồng với các công ty phân bón và thuốc để mua về cung ứng trực tiếp cho nông dân đã giúp giảm chi phí.
Được biết, vụ lúa thu – đông, HTX nông nghiệp Phú Cần sản xuất 110ha, với giống lúa Đài thơm 8 và năng suất đạt 5,7 – 06 tấn/ha. Giá lúa được doanh nghiệp thu mua trong thành viên HTX là 8.600 đồng/kg (giống Đài thơm 8), trừ chi phí, các hộ sản xuất lúa trong HTX thu từ 22 – 24 triệu đồng/ha.
Riêng các diện tích sản xuất theo Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn Trà Vinh đạt năng suất rất cao so với bình quân chung của tỉnh. Trong 110ha lúa sản xuất theo Đề án, năng suất đạt 7,3 – 7,5 tấn/ha; lợi nhuận của mô hình tăng thêm 16% so với ngoài mô hình (tăng 5,75 triệu đồng/ha)… Đồng thời, giúp giảm thiểu các mối nguy từ canh tác truyền thống (lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng nhiều hóa chất, mất cân bằng sinh thái, suy thoái đất,…), giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, quan trọng đã giải quyết được bài toán kinh tế tăng thu nhập cho hộ nông dân theo hướng bền vững.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: thực hiện mô hình trong Đề án với tổng diện tích 48,4 ha/48 hộ tham gia; sử dụng giống OM 5451 (giống xác nhận). Trong quá trình canh tác, các thành viên HTX thực hiện quản lý dịch hại trước – trong – sau vụ lúa theo nguyên tắc IPM, sử dụng thuốc theo bảo vệ thực vật nguyên tắc 04 đúng, chủ yếu phòng trị; quản lý ngập khô xen kẽ… Góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người trồng lúa so với sản xuất ngoài mô hình, bình quân đạt 32 – 35 triệu đồng/ha.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/vu-lua-thu-dong-nam-2024-nong-dan-dat-loi-nhuan-cao-42414.html