Từ đó tới nay, Chương trình OCOP đã được thị xã Duyên Hải triển khai đồng bộ đến các xã, phường; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là sự chủ động của các chủ thể. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với XDNTM, đô thị văn minh; tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng, lợi thế so sánh để hình thành các sản phẩm OCOP.
Bà Lâm Thị Kim Quyên giới thiệu sản phẩm OCOP cá đù 01 nắng.
Đồng chí Huỳnh Văn Màu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải cho biết: thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP năm 2024, trong 10 tháng năm 2024, thị xã Duyên Hải đã thực hiện 09/04 sản phẩm OCOP (chả lụa Thanh Tiền, Pa-tê Thanh Tiền, yến sào Nguyên Minh, khô, tôm rim chua ngọt, khô cá lưỡi trâu Thu Trang, khô cá kèo Thu Trang, nước màu dừa Cô Vui, mắm ba khía Tường Anh, dưa leo an toàn).
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành của thị xã và UBND các xã, phường; sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành tỉnh, đến cuối tháng 10/2024, thị xã Duyên Hải có 33 sản phẩm OCOP (30 sản phẩm 3 sao và 03 sản phẩm 4 sao). Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm OCOP của thị xã hiện có, từ quá trình hình thành và đến khi công nhận, đều được chú trọng đến nguồn nguyên liệu. Đây là một trong những điều kiện giúp sản phẩm OCOP của thị xã Duyên Hải phát triển, tiềm năng để nâng sao.
Nhằm phát triển sản phẩm OCOP về thương mại, Phòng Kinh tế thị xã phối hợp, tham mưu hỗ trợ 11 chủ thể xây dựng nhãn hiệu. Đồng thời, để giúp các chủ thể chủ động, tạo nguồn nguyên liệu, trong 10 tháng năm 2024, thị xã tổ chức 49 lớp tập huấn, hội thảo, với 1.544 người tham dự. Trong đó, phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn 18 lớp nông nghiệp, thủy sản cho 330 người dự; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Duyên Hải tập huấn 23 lớp nông nghiệp, thủy sản, 801 người dự; tổ chức 01 lớp tập huấn xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu có 20 người dự; Công ty Heo rừng miền Tây tổ chức hội thảo chuỗi liên kết heo rừng, có 25 người dự; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo phát triển ngành tôm, 230 đại biểu tham dự; Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn nhãn hiệu cho cán bộ, cơ sở, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP, có 30 lượt người dự…
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu… là định hướng của thị xã.
Đồng chí Dương Thị Trúc Linh, Công chức phụ trách Nông nghiệp và Môi trường xã Dân Thành cho biết: xã Dân Thành có 02 sản phẩm OCOP: mắm ba khía Tường Anh (ấp Cồn Ông) và bột nưa Hoàng Lan (ấp Mù U). Để sản phẩm có nguồn nguyên liệu, xã đã tăng cường chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 – 2025. Nhờ đó, bà Dương Thị Tường Vi, chủ thể OCOP bột nưa Hoàng Lan hiện có hơn 01ha nguyên liệu nưa; đồng thời, liên kết với nhiều hộ dân ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải; xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải trồng hơn 03ha…
Bà Lâm Thị Kim Quyên, Phường 2, thị xã Duyên Hải có 03 sản phẩm OCOP: khô cá đù 01 nắng, khô tôm sẻ, khô tôm rim chua ngọt, bà Quyên chia sẻ: quá trình hình thành được các sản phẩm OCOP trải qua nhiều thử thách, nhất là nguồn nguyên liệu cá đù. Theo bà Quyên, để có sản phẩm khô cá đù 01 nắng đạt chất lượng, cần có nguồn cá tươi; sau thời gian thử thách, nay bà mở rộng nguồn nguyên liệu từ các cảng cá trên địa bàn thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và Trà Cú; bà thương thảo với các chủ ghe đánh bắt hải sản, dành nguồn nguyên lịệu cá đù tươi để tạo sản phẩm OCOP cá đù 01 nắng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Có thể nói, sản phẩm OCOP của thị xã Duyên Hải đã có lộ trình vững chắc, xác định, chọn đúng sản phẩm, đảm bảo nguồn nguyên liệu. Đây là điều kiện có ý nghĩa quan trọng, đặt nền tảng cho sự thành công của chủ thể OCOP; đồng thời, là nền tảng cho hoạch chiến lược, quyết định hiệu quả kinh doanh; nâng chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; triển vọng liên kết chuỗi; nâng cao giá trị ngành công nghiệp của thị xã trong thời gian tới.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/thuong-mai-dich-vu/thi-xa-duyen-hai-tich-cuc-phat-trien-san-pham-ocop-41341.html