Nông dân tham dự tập huấn tìm hiểu về bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.
Đây là hoạt động thuộc Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” (gọi tắt là Dự án STAR-FARM).
Tham dự buổi tập huấn có Tiến sĩ Tạ Hồng Lĩnh, Phó trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam); diễn giả, Tiến sĩ Hoàng Xuân Trường (Dự án STAR-FARM); đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT); Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè; Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ huyện Cầu Kè cùng với gần 50 hộ trồng dừa và thành viên Hợp tác xã nông nghiệp xã Tam Ngãi.
Tại lớp tập huấn, Tiến sĩ Hoàng Xuân Trường giới thiệu một số nội dung: về sở hữu trí tuệ trong các sản phẩm nông sản; đặc biệt là các nông sản của Trà Vinh nói chung và trên địa bàn huyện Cầu Kè đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Trường trao đổi với đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Tam Ngãi về những sản phẩm nông sản được sản xuất tại địa phương.
Bên cạnh đó, diễn giả cũng đã phỏng vấn nông dân (qua phiếu) về hiện trạng của chuỗi giá trị; trao đổi thông tin hiện trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm; xác định chủ sở hữu, khả năng bảo hộ và các vấn đề liên quan phục vụ đăng ký thương hiệu cho cây dừa ở địa phương… Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm.
Hiện trên địa bàn xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè có tổng diện tích dừa trên 700ha, trong đó, có vùng trồng dừa hữu cơ ở ấp Ngọc Hồ (Hợp tác xã nông nghiệp Tam Ngãi) được cấp mã vùng trồng xuất khẩu, với tổng diện tích 110ha.
Dự án STAR-FARM được triển khai thực hiện trên địa bàn 03 tỉnh gồm Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh. Dự án STAR-FARM có tổng nguồn vốn trên 107 tỷ đồng, do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO). Thời gian triển khai thực hiện Dự án 48 tháng.
Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ thực hiện chính sách liên quan đến chuyển đổi hệ thống lương thực thông minh với biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển và cải thiện các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái; tăng cường năng lực thích ứng của các bên liên quan về giám sát đánh giá trong chuyển đổi các hệ thống lương thực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích các chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái công bằng, lành mạnh, bền vững, thân thiện với khí hậu và môi trường…
|
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/tap-huan-xay-dung-nhan-hieu-thuong-hieu-cho-san-pham-nong-san-41692.html