Nỗ lực từ địa phương
Trong những năm gần đây, Chương trình MTQG 1719 đã và đang phát huy hiệu quả tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh việc đầu tư hữu hiệu vào các công trình, cải tạo sinh kế cho người dân, các cấp chính quyền địa phương cũng triển khai mạnh mẽ nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của cộng đồng các DTTS gắn với phát triển du lịch.
Hiện nay, hàng chục nghệ nhân ở các buôn làng người Cơ Tu đang miệt mài “giữ lửa” các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, sưu tầm những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng.
Với người dân địa phương, việc giữ gìn làng nghề truyền thống không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn là giữ nét tinh hoa của cha ông để lại, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch gắn với làng nghề.
Là Người có uy tín, nghệ nhân ở xã Sông Kôn, già Bhling Blóo (70 tuổi) đã có gần nửa đời người gắn với nghề đan lát truyền thống. Với ông, việc tạo ra những sản phẩm mây, tre độc đáo vừa góp phần lan tỏa hình ảnh văn hóa tốt đẹp của người Cơ Tu để phát triển du lịch, vừa để giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại.
“Trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã có động thái hỗ trợ các nghệ nhân giữ nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm để giới thiệu sản phẩm, kết nối du khách đến làng nghề, qua đó tạo thu nhập thêm cho người dân”, già Bhling Blóo chia sẻ.
Không chỉ gìn giữ nghề truyền thống, hiện nay, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đang tập trung các nguồn lực, trong đó khai thác tốt Dự án 6 – Chương trình MTQG 1719 để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch. Nhờ đó, ở mỗi địa phương hiện nay đều có các làng, thôn du lịch gắn với nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS.
Đơn cử như tại Tây Giang, trong thời gian qua, chính quyền đã triển khai nâng cấp cải tạo Làng truyền thống Cơ Tu – Tây Giang, Làng Văn hoá – Du lịch cộng đồng thôn Pơr’ning (xã Lăng) và thôn Ta Lang (xã Bha Lêê); mua sắm và cấp bộ trống, chiêng cho các thôn ở 10 xã trên địa bàn huyện. Còn huyện Nam Giang triển khai hỗ trợ âm thanh, cồng chiêng cho các tổ dân phố, các thôn trên địa bàn huyện; tổ chức phục dựng nghi thức như Lễ Mừng lúa mới, Lễ cưới của đồng bào Cơ Tu; xây dựng kế hoạch sản xuất phim “Nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS xã La Dêê”…
“Huyện Nam Trà My với đa số đồng bào Ca Dong, Xơ Đăng sinh sống với nhiều nét văn hóa độc đáo. Thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào DTTS gắn với du lịch, trong năm nay, huyện đã tổ chức phục dựng Lễ Cúng máng nước của đồng bào Ca Dong ở các xã Trà Don, Trà Vinh. Ngoài ra, địa phương mở 3 lớp truyền dạy chỉnh chiêng, dạy đánh cồng chiêng cho hàng chục người; hỗ trợ thiết bị, trang phục truyền thống cho các thôn vùng DTTS”, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.
Những tín hiệu tích cực
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Nam cho biết: Thời gian qua, ngành Văn hóa của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả Quyết định số 800 của UBND Quảng Nam về Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2022 – 2025, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Nhờ đó, các giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng DTTS được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ gắn với phát triển kinh tế – xã hội của các huyện miền núi nói riêng, trên toàn tỉnh nói chung.
Theo đó, trong giai đoạn 2023 – 2024, ngành Văn hóa của tỉnh đã tổ chức hàng chục buổi tập huấn, truyền dạy nghề như dệt thổ cẩm, đan lát cho hàng trăm người ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My… Đồng thời, hướng dẫn chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn, thành lập câu lạc bộ truyền dạy chỉnh chiêng, biểu diễn cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc truyền thống cho người dân. Nhờ đó, các làng nghề truyền thống được giữ gìn và phát huy, các câu lạc bộ trình diễn nhạc cụ truyền thống được hình thành, sẵn sàng phục vụ cho du khách ở các điểm du lịch.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Sở VH-TT&DL tỉnh cũng tiến hành khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, ghi âm, ghi hình đối với nhạc cụ đinh tút của đồng bào Gié Triêng (nhóm Tà Riềng) trên địa bàn huyện Nam Giang; khảo sát nghệ thuật điêu khắc gỗ của đồng bào Cơ Tu ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang; tổ chức tập huấn và tổ chức giải thi đấu bắn ná – bắn nỏ truyền thống tại huyện Phước Sơn; khảo sát thực trạng nhà làng truyền thống tại vùng DTTS và miền núi.
Việc phục dựng, tái hiện các nghi thức, lễ hội tốt đẹp của các đồng bào DTTS cũng được các cấp, sở, ngành ở Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Trong 2 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan tổ chức phục dựng, tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc Gié Triêng (nhóm Ve) tại xã Đắc Pre (huyện Nam Giang); Lễ mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong tại xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức).
Không những thế, tỉnh Quảng Nam còn dành nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các huyện miền núi như ở Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang; xây dựng các chương trình truyền thông vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Địa phương cũng triển khai hỗ trợ mua mới tủ sách cộng đồng cho các xã thuộc các huyện trong phạm vi Dự án 6. Đồng thời kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Dự án 6 năm 2022 và năm 2023 tại các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức….
“Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo nên sự phong phú, đa dạng về đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS. Nhờ vào các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng của các DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được duy trì và phát huy”, ông Hồng cho biết thêm.
Quảng Nam: Dấu ấn sau hơn 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719