Tác giả Ngô Trọng Nghĩa ký tặng tập thơ cho bạn đọc. Ảnh: NX
Đề tài về quê hương đất nước là đề tài lớn được Ngô Trọng Nghĩa quan tâm. Người đọc bắt gặp những bài thơ chan chứa tình yêu quê hương, đặc biệt là những tình cảm tha thiết mặn nồng với quê hương Trà Vinh.
Những bài thơ như: Đêm Tiểu Cần nghe em hát tình ca, Hẹn nhé em, mình về Trà Cú, Qua cánh đồng Nhuệ Tứ, Trà Vinh quê hương, Thành phố mùa Xuân, Quê biển, Ký ức quê, Thương bến sông quê, Hoài niệm tuổi thơ, Con sông quê hương, Phố nhỏ yêu thương, Thương quê, Ru ca với hạ… luôn gieo vào lòng những người con Trà Vinh những xuyến xao rung động.
Những địa danh quen thuộc như: Trà Vinh, Trà Cú, Tiểu Cần, Nhuệ Tứ, Long Bình, Duyên Hải, Trường Long Hòa, Cồn Ngao, Cồn Trứng, Cồn Ông… vang lên trong thơ Ngô Trọng Nghĩa như những cung bậc tình tự của bản đàn quê hương tha thiết. Những câu thơ thấm thía, đắm say khi tình yêu quê hương hòa quyện vào tình yêu đôi lứa “Đêm Tiểu Cần, nghe em hát say mê/Trong câu hát có hương đồng cỏ nội/Trong câu hát, nụ hôn đầu bối rối/Em ngọt ngào theo giai điệu tình ca” (Đêm Tiểu Cần nghe em hát tình ca) luôn có sức gọi mời người yêu thơ thưởng thức.
Trong tập thơ “Lung linh ngõ nhớ” tác giả đã khẳng định ý thức công dân một cách sâu sắc qua những bài thơ thể hiện sự chiêm nghiệm trước lịch sử đấu tranh lâu dài của dân tộc qua bao thế kỷ, trước tình cảm đồng bào sâu nặng khi đất nước gặp cơn nguy biến khốn cùng. Chính vì vậy mà những bài thơ như: Đất nước bốn ngàn năm, Nghĩa đồng bào, Đêm Côn Đảo, Đất nước của em, Khúc tụng ca người lính, Cảm ơn người, thiên thần áo trắng, Thương lắm Trường Sa, Quê nhà từ phía tôi thương, Nhớ quê, Hương đồng…. đã có chỗ đứng trang trọng trong lòng độc giả.
Bìa tập thơ. Ảnh: NX
Ngô Trọng Nghĩa dành nhiều trang thơ để viết về những người phụ nữ mà anh hằng thương yêu. Nổi bật lên hơn cả là những bài thơ anh viết về mẹ. Dẫu biết rằng đề tài người mẹ là đề tài không dễ viết bởi không khéo sẽ rơi vào lối mòn, sáo rỗng trước biết bao kiệt tác thơ ca đã ca tụng người mẹ.
Tuy nhiên bằng những tình cảm chân thành nhất, Ngô Trọng Nghĩa đã có những vần thơ đầy xúc động khi viết về mẹ trong các bài thơ như: Mẹ, Lời ru dáng mẹ, Tháng Bảy về, anh về nhé anh… Đó có thể là người mẹ tảo tần hôm sớm: “Mẹ về đồng trễ, cơn mưa – Chiều nghiêng dáng mẹ, gió lùa lạnh căm” (Mẹ). Đó cũng có thể là người mẹ âm thầm nén nỗi đau vào trong khi con trai mình đã đền xong nợ nước “Tháng bảy về rồi, anh có về không?/Mẹ lặng lẽ bên bậu chiều ngồi đợi/Tấm di ảnh mẹ vừa lau hết bụi/Khói nhang trầm cay mắt mẹ thương yêu” (Tháng Bảy về, anh về nhé anh).
Là thầy giáo sáng tác thơ, Ngô Trọng Nghĩa cũng đã dành nhiều dư địa cho đề tài thầy cô và mái trường. Tiêu biểu như những bài thơ xinh xắn như: Chiếc áo ngày khai trường, Áo dài thương, Đi qua miền hạ nhớ, Thầy tôi, Trung thu của bé… Tâm trạng bâng khuâng khi hạ về của bao thế hệ học sinh cũng đã đi vào trang thơ của anh một cách tự nhiên và dung dị “Đi qua miền hạ nhớ/Có chú ve điệu đàng/Ngân bài ca mùa hạ/mây chiều bay lang thang” (Đi qua miền hạ nhớ).
Ngô Trọng Nghĩa ít viết thơ tự do, thơ anh vận dụng những thể thơ truyền thống như thơ lục bát, thơ năm chữ, thơ sáu chữ, bảy chữ, thơ tám chữ nhưng cũng có những nét biến tấu để gia tăng nhịp điệu cho bài thơ. Hình ảnh, từ ngữ trong thơ anh không rơi vào sự tân kỳ mà hết sức chân phương mộc mạc. Sự dung dị trong thơ Ngô Trọng Nghĩa chính là sức mạnh mời gọi người yêu thơ khám phá, thưởng thức vẻ đẹp thơ của anh.
TRẦM THANH TUẤN
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/ngo-trong-nghia-va-tap-tho-dau-tay-lung-linh-ngo-nho-42738.html