Sản xuất xơ tơ dừa tại Hợp tác xã nông nghiệp thương mại Đại Phước, huyện Càng Long.
Thời gian qua, tỉnh ban hành các chính sách, cơ chế khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: ngành tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh ở một số lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh: chế biến dừa, đường, lúa gạo…
Với thế mạnh của tỉnh là dừa, khoảng 27.359ha, sản lượng khoảng 399.095 tấn/năm, nên chế biến từ dừa cũng phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 15 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa như Công ty Cổ phần Trà Bắc, Công ty TNHH MTV Út Mừng, Công ty TNHH MTV SXTM Dương Phát… với tổng công suất 9.673 tấn các loại sản phẩm, chủ yếu như cơm dừa sấy khô, than hoạt tính, than gáo dừa, thảm xơ dừa, xơ dừa…
Song song đó, lĩnh vực chế biến thủy sản cũng phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có các nhà máy chế biến như: Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long, Công ty TNHH MTV Quận Nhuần, Công ty Cổ phần đông lạnh thủy sản Long Toàn… với sản lượng bình quân từ 6.500 – 7.000 tấn sản phẩm/năm.
Cây mía, những năm qua tuy gặp khó khăn, nhưng tỉnh vẫn chủ trương duy trì hoạt động nhà máy chế biến của Công ty Mía đường Trà Vinh, sản lượng khoảng 12.885 tấn mía nguyên liệu/năm. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến lúa gạo, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xay xát, một số doanh nghiệp chế biến như Công ty TNHH một thành viên sản xuất Vạn Hòa, Công ty TNHH AGROPIC, Công ty Cổ phần Đại Phúc, Doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi… sản lượng bình quân 653.881 tấn/năm.
Nhìn chung, chế biến một số sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển “năm sau cao hơn năm trước”. Do đó, cần đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nói riêng và đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh nói chung.
Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh được các nhà máy sản xuất, chế biến triển khai thực hiện; các doanh nghiệp đã không ngừng nghiên cứu thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để tận dụng hiệu quả các phát thải công nghiệp trong quá trình sản xuất để tạo sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, giảm thiểu chi phí xử lý môi trường và góp phần làm giảm đáng kể lượng phát thải công nghiệp…
Qua khảo sát thực tế, nhờ áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tạo phân hữu cơ, đầu tôm và vỏ tôm là những phụ phẩm thủy sản có giá trị cao được các doanh nghiệp tận dụng chế biến, làm thức ăn cho chăn nuôi hoặc làm phân bón cho ngành nông nghiệp,… phế phẩm ngành lúa gạo: rơm rạ, vỏ trấu, cám… được tận dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học; nhiều doanh nghiệp xay xát trong tỉnh sản xuất than trấu… vừa nâng hiệu quả kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với tiềm năng của tỉnh về chế biến, nguồn nguyên liệu sử dụng cho công nghiệp chế biến đa dạng về chủng loại, dồi dào về quy mô thuận lợi cho phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến tuần hoàn.
Để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả, ngành Công thương phối hợp, tham mưu nhằm đề ra những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp: đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn chỉnh, đảm bảo về môi trường khi vận hành.
Về khoa học công nghệ, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để các tổ chức, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tăng năng suất và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nói chung, chế biến bền vững nói riêng.
Sở Công thương chủ công nhằm tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề, từng bước tạo nguồn nhân lực công nghiệp có khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất mới phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, đẩy mạnh các chương trình liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ việc làm cho người lao động sau đào tạo nghề.
Hiện nay, các sở, ngành tỉnh, trong đó có ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển và quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; quy định trách nhiệm của người sản xuất, tiêu dùng trong thu hồi, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm; khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ cùng những điều kiện hỗ trợ tốt nhất của tỉnh để mời gọi các nhà đầu tư, nhằm góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh theo mục tiêu đề ra.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nganh-cong-thuong-thuc-hien-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-kinh-te-xanh-42550.html