Từng miếng chả tôm thon dài, suông đuột trông lạ mắt như quấn lấy sợi bún trắng tinh, ngập trong nước dùng chua ngọt khiến thực khách hài lòng khi thưởng thức.
Trà Vinh là một tỉnh có nền ẩm thực giao thoa của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Ngoài bún nước lèo, bánh canh Bến Có hay mắm bò hóc, du khách ghé qua vùng đất này còn dễ bị say lòng bởi món bún suông.
Bún suông với thành phần chính là bún, tôm và thịt ba chỉ. Đặc biệt phần hồn cốt của món ăn nằm trong những con tôm được nặn thành miếng chả dài. Để chả thêm ngon, người ta thường phải lựa những con tôm tươi và mập mạp. Tôm được đem về rửa sạch, cắt đầu đuôi và bóc vỏ.
Mỗi tô bún suông có giá từ 15.000 đến 25.000 đồng. Ảnh: xembao
Tỏi, hành khô bóc vỏ băm nhuyễn sẽ được cho cùng tôm vào máy xay, đến khi tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành hỗn hợp sánh mịn. Lấy phần tôm trên vào tô, thêm vào hạt tiêu, muối, bột năng, bột nêm và màu dầu điều để tạo sắc vàng bắt mắt.
Món chả muốn dai nhuyễn đòi hỏi người nấu phải kỳ công quết lại nhiều lần, cuối cùng cho tất cả vào túi nilon sạch, cắt đầu bao. Phần nước dùng được ninh bởi xương heo trong nhiều giờ cho béo ngọt, khi đã nêm nếm gia vị bao gồm dầu hạt điều, muối, tiêu, bột nêm…. thì cứ thế mà nắn từ từ hỗn hợp tôm vào.
Vị nước dùng của bún suông cũng khá đặc biệt, nó không trong như các loại bún khác mà có màu ngả hơi nâu do có cho thêm me và tương hột tạo nên vị chua thanh, lại thoang thoảng mùi thơm.
Phần chả tôm dài hay ngắn là tùy theo sở thích của người nấu. Khi chả tôm đã thả hết vào nồi, sẽ được đun thêm 5 – 10 phút cho đến khi nổi trên bề mặt nước và chuyển màu vàng ươm, ấy cũng là lúc đã chín hẳn.
Để tô bún thêm hài hòa, người dân Trà Vinh còn có thể cho thêm vài lát thịt ba chỉ luộc, giá trụng, rau xà lách và ăn kèm bắp cải trắng bào sợi. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.
Khi đến Trà Vinh bạn có thể tìm gặp quán bún suông chỉ chuyên bán vào các buổi chiều tối trên đường Điện Biên Phủ hoặc quán trên đường Hùng Vương.
Lan Thoa