Đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo, có các đồng chí: Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam; Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam; TS Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh; Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh; Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè và một số hộ trồng dừa sáp tại các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành và Cầu Kè…
Đại biểu khách mời có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long; các Sở NN-PTNT: Tây Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang; Trường Đại học Cần Thơ; Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (CIPTEK); Trung tâm dừa Đồng Gò, tỉnh Bến Tre…
Đoàn chủ tọa điều hành hội thảo.
Hội thảo là dịp các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nông dân chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất phát triển cây dừa sáp trong thời gian tới.
Tại hội thảo, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT Trà Vinh), Trường Đại học Trà Vinh, Sở Công thương Trà Vinh, Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) tham luận về lịch sử hình thành và phát triển dừa sáp Trà Vinh; thực trạng sản xuất và liên kết tiêu thụ; các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiềm năng phát triển ngành hàng dừa sáp bền vững trong tương lai. Cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ kết nối sản phẩm nông sản vào các kênh phân phối hiện đại. Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống dừa sáp tại Việt Nam; tiềm năng phát triển các sản phẩm chế biến từ dừa sáp.
Diễn giả Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, trình bày tham luận về “Tính cấp thiết hình thành chuỗi giá trị cây dừa sáp Trà Vinh trên thị trường trong và ngoài nước”
Đặc biệt, với tham luận về “Tính cấp thiết hình thành chuỗi giá trị cây dừa sáp Trà Vinh trên thị trường trong và ngoài nước” do diễn giả Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trưởng đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa quốc tế – ICC trình bày, nêu bật các nội dung cần khai thác về giá trị tiềm năng của cây dừa sáp Trà Vinh, như: xây dựng các giá trị thực phẩm, y dược, mỹ phẩm; gỗ, thủ công mỹ nghệ; nguyên liệu cho sản phẩm khác; dừa nguyên trái; du lịch kết hợp… Hình thành chuỗi liên kết tạo giá trị cao cho “Dừa sáp Trà Vinh”, làm cơ sở để từng bước đưa vào nghị quyết của địa phương; quảng bá trên các kênh truyền thông; xây dựng trung tâm ươm giống, đối chứng gen; xây dựng bản đồ dừa sáp Trà Vinh…
Nhiều đại biểu tham luận tại hội thảo cho rằng: đối với Trà Vinh, để phát triển cây dừa sáp cần tập trung định hướng các giải pháp về áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng dừa sáp để tạo nguồn nguyên liệu phong phú, đủ cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Giải pháp về cải thiện và hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị dừa sáp thông qua các quy trình chế biến và bảo quản sau thu hoạch để tạo các sản phẩm chất lượng cao. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng các cơ sở thu mua và chế biến tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam trao giấy công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là cây dừa Việt Nam” cho đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh.
Tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam đã trao công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là cây dừa Việt Nam” theo Quyết định số 37/2024/HHD, ngày 05/8/2024 cho Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh.
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/dua-sap-tra-vinh-100-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-39599.html