Powered by Techcity

Bình Định thu hút thêm dự án 20 triệu USD; Hải Phòng động thổ nhà máy tôn thép 45 triệu USD

Bình Định thu hút thêm dự án 20 triệu USD; Hải Phòng động thổ nhà máy tôn thép 45 triệu USD

Bình Định thu hút thêm dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn đầu tư 20 triệu USD; Động thổ dự án Logicross Hải Phòng 55 triệu USD tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Hải Phòng: Động thổ nhà máy sản xuất tôn thép Việt Pháp 45 triệu USD

Sáng 12/11, Lễ động thổ xây dựng Nhà máy Sản xuất tôn thép Việt Pháp số 2, với tổng mức đầu tư 45 triệu USD được tổ chức tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng.

Nhà máy có tổng diện tích 75.000 m2, với tổng vốn đầu tư gần 45 triệu USD cho giai đoạn 1; có năng lực sản xuất lên đến 350.000 tấn sản phẩm tôn thép mỗi năm. Dự án do nhà đầu tư Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Xây lắp Hải Long làm tổng thầu thi công.

Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có lợi thế giao thông vượt trội, nằm gần cảng biển lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tối ưu hóa chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam khi đến tay đối tác quốc tế. Ảnh: Thanh Sơn
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có lợi thế giao thông vượt trội, nằm gần cảng biển lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tối ưu hóa chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam khi đến tay đối tác quốc tế. Ảnh: Thanh Sơn

Bà Mai Minh Nguyệt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp cho biết, Nhà máy sẽ áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhất từ các đối tác quốc tế, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Khi hoàn thiện, nhà máy sẽ góp phần không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo ra hơn nhiều cơ hội lao động việc làm mới.

Nhà máy được đặt tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ, có lợi thế giao thông vượt trội, nằm gần cảng biển lớn và các tuyến đường kết nối quốc gia. Điều này giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tối ưu hóa chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam khi đến tay đối tác quốc tế.

Phát biểu tại Lễ động thổ, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chúc mừng kết quả đạt được của Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp thời gian qua. Tôn Việt Pháp lựa chọn Khu công nghiệp Nam Đình Vũ của Tập đoàn Sao Đỏ, đây là một khu công nghiệp có hạ tầng kết nối tốt, cơ sở về điện và các lĩnh vực khác rất tốt và gần cảng. Thành phố Hải Phòng cũng như Ban Quản lý luôn cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh với kết quả và sự hài lòng tốt nhất.

Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực sớm đưa Dự án vào sử dụng nhanh nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai để Dự án sớm đi vào hoạt động.

Thông tin thêm tại lễ động thổ này, ông Lê Trung Kiên cho biết: Hải Phòng đang dự kiến thành lập thêm Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha – là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh, là đầu mối của thành phố tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới. Đặc biệt, Hải Phòng đề xuất thành lập Khu thương mại tự do với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, hứa hẹn tạo nên một không gian phát triển rộng lớn, năng động, hấp dẫn, đầy tiềm năng cho Thành phố.

Về phía tổng thầu thi công, ông Phạm Anh Tiến, Chủ tịch Công ty cổ phần Xây lắp Hải Long cho biết: Với năng lực và kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ thực hiện thành công dự án này theo đúng chất lượng và tiến độ như đã cam kết với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp.

Bình Định thu hút thêm dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn đầu tư 20 triệu USD

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty HGQ Asia Pte (trụ sở tại Singapore) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm thời trang TnB Việt Nam.

tham quan Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa (Ảnh: Trang Lê).
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tham quan nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong Khu công nghiệp Hòa Hội (ảnh minh họa). Ảnh: Trang Lê.

Dự án được thực hiện tại lô A2, Khu công nghiệp Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có diện tích hơn 3,2 ha, quy mô 1,5 triệu sản phẩm/ năm, vốn đầu tư hơn 198 tỷ đồng; giai đoạn 2 có diện tích hơn 4,7 ha, quy mô 5,5 triệu sản phẩm/ năm, vốn đầu tư hơn 297 tỷ đồng.

Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ chính thức đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 10/2026; toàn bộ dự án được đưa vào hoạt động trong tháng 11/2027.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, trong đầu tháng 11/2024, ngoài dự án của Công ty HGQ Asia Pte, địa phương thu hút 2 dự án đầu tư trong nước vào huyện Phù Mỹ gồm Dự án Xưởng gia công may mặc GA Apparel của Công ty GA Apparel với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất bàn ghế nhựa giả mây, bàn ghế gỗ, viên nén của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tổng hợp Nam Việt tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh với tổng vốn đầu tư hơn 38,6 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, Bình Định thu hút được 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.926,4 tỷ đồng; bao gồm 54 dự án trong nước, 3 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chiếm chủ yếu với 46 dự án. 

Đề xuất hỗ trợ 1.870 tỷ đồng xây tuyến kết nối cầu Đại Ngãi với Quốc lộ 60

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến từ cầu Đại Ngãi kết nối với Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng.

Cụ thể, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Thủ tướng sớm hỗ trợ địa phương đầu tư đường từ cầu Đại Ngãi kết nối với Quốc lộ 60 hiện hữu. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 14 km, quy mô 2 làn xe, đường cấp III đồng bằng (tương tự như Dự án cầu Đại Ngãi).

Thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 2 (Ảnh: Xuân Lương).
Thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 2 (Ảnh: Xuân Lương).

Kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường từ cầu Đại Ngãi đến Quốc lộ 60 dự kiến khoảng 1.870 tỷ đồng từ nguồn kết dư của Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, việc đầu tư tuyến đường sẽ góp phần phát huy hiệu quả của việc đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60; Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91B (đường Nam Sông Hậu).

Công trình còn cải thiện kết nối liên kết vùng Đông Nam của tỉnh Sóc Trăng và kết nối với tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh được đầu tư trong thời gian tới, tạo ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng bán đảo Cà Mau.

Dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, kết nối Trà Vinh và Sóc Trăng được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2026.

Dự án có chiều dài khoảng 15,14km được chia làm hai công trình chính gồm: cầu dây văng Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2, tổng mức đầu tư hơn 7.962 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay phần cầu Đại Ngãi 2, tuyến và công trình trên tuyến đã hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thi công đồng loạt trên hiện trường; dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

XGIMI khởi công dự án sản xuất máy chiếu 13 triệu USD tại Nam Định

XGIMI là công ty công nghệ cao đến từ Trung Quốc, chuyên thiết kế và sản xuất máy chiếu thông minh, tivi laser hiệu suất cao.

Sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, đặc biệt được ưa chuộng tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Hiện tại, XGIMI sở hữu mạng lưới hơn 5.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới, khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành công nghệ trình chiếu.

Đại diện chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu thực hiện lễ động thổ xây dựng Dự án đầu tư sản xuất máy chiếu Công ty TNHH Công nghệ XGIMI Việt Nam – giai đoạn I.

Dự án tại Nam Định là một phần trong chiến lược mở rộng sản xuất của XGIMI.

Theo kế hoạch, đến quý II/2025, dự án hoàn thiện các thủ tục khởi công. Giai đoạn xây dựng cơ bản dự kiến từ quý II/2025 đến quý II/2026. Sau đó, công ty sẽ lắp đặt máy móc và vận hành thử nghiệm trong quý II/2026 – quý III/2026, trước khi chính thức đi vào hoạt động vào quý III/2026. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ đạt công suất 400.000 sản phẩm/năm.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định, dự án có tổng vốn đầu tư 13 triệu USD và sử dụng diện tích 56.694,5 m2 tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Đây là khoản đầu tư 100% vốn nước ngoài, thời hạn hoạt động của dự án kéo dài 47 năm, tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, cùng các chính sách hỗ trợ như miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất.

Ngoài ra, dự án còn áp dụng chính sách khấu hao nhanh và tăng mức chi phí khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai hiệu quả.

Việc xây dựng nhà máy XGIMI tại Nam Định góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và được kỳ vọng sẽ là một dự án có tác động tích cực, đưa Nam Định trở thành điểm sáng thu hút đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam.

LG tăng thêm 1 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng vọt lên 3,5 tỷ USD

TP. Hải Phòng vừa trao chứng nhận đầu tư cấp mới, tăng vốn cho các dự án với tổng vốn đạt hơn 1,8 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài hết tháng 11/2024 lên 3,5 tỷ USD, bằng 140% kế hoạch năm.

Trong các Dự án điều chỉnh tăng vốn vừa được Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh, có Dự án Đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, điều chỉnh tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 5,65 tỷ USD. Cũng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Dự án của nhà đầu tư Heesung (Hàn Quốc) cũng tăng vốn đợt này, với vốn tăng thêm 125 triệu USD, nâng tổng vốn lên thành 279 triệu USD.

Tại Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, Dự án kinh doanh hạ tầng cơ sở khu công nghiệp tăng vốn thêm 169 triệu USD, nâng tổng vốn lên 286 triệu USD; Dự án của Tập đoàn USI (Đài Loan) tăng vốn từ 215 triệu USD lên 290 triệu USD (tăng thêm 75 triệu USD).

Cùng với đó, Dự án của nhà đầu tư Trung Quốc Moons’ Industries tại Khu công nghiệp VSIP tăng thêm 69 triệu USD; Dự án Vietnam Advance Film Material (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp DEEP C 2A tăng thêm 60 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên thành 158 triệu USD; Dự án Jeil Logistics 1 của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ tăng vốn thêm 21 triệu USD.

Đối với các dự án được cấp mới, dự án của liên danh Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty Terminal Investment Limited (TIL) và Tập đoàn MSC (Thụy Sỹ) có tổng vốn đầu tư 156 triệu USD. Các công ty thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, sản lượng hàng hóa khai thác đạt 1,1 triệu TEU/năm.

Ngoài ra, Dự án của Sembcorp Integrated Hub Hai Phong IV (Singapore) tại Khu công nghiệp DEEP C có tổng vốn đầu tư 56 triệu USD. Dự án của Công ty TNHH Smart Logistics Service tại Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có vốn đầu tư 20 triệu USD. Dự án của Hoda Strategic Holdings Private (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD tại Khu công nghiệp DEEP C. Dự án của Công ty cổ phần DAP – Vinachem với vốn đầu tư 626 tỷ đồng đặt mục tiêu là đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng axit phosphoric và sản xuất phân bón MAP với quy mô 60.000 tấn/năm.

Việc các dự án được triển khai tại Hải Phòng sẽ góp phần mang lại nhiều ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hàng đầu của thế giới vào sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển và tạo ra nguồn thu ngân sách.

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Thành phố cam kết dành những ưu đãi tốt nhất cho nhà đầu tư và sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi trong môi trường đầu tư. Thời gian tới, Hải Phòng sẽ phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam có quy mô hơn 20.000 ha, được định hướng là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh.

Đặc biệt, Hải Phòng đề xuất thành lập khu thương mại tự do với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, hứa hẹn tạo nên một không gian phát triển rộng lớn, năng động, hấp dẫn, đầy tiềm năng cho Thành phố. Từ đây, Hải Phòng và các địa phương sẽ tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tính từ tháng 1/2021 đến nay, thu hút đầu tư của TP. Hải Phòng đạt 14,5 tỷ USD, bằng 97% kế hoạch thu hút đầu tư nhiệm kỳ 2021-2025, bằng 74% giai đoạn 1993 – 2020 (19,6 tỷ USD), bình quân thu hút được 3,6 tỷ USD/năm. Dự kiến hết năm 2024, Thành phố thu hút trên 4,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (bằng 180% kế hoạch năm).

Lũy kế đến nay, Hải Phòng đã thu hút 1.000 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn 32,2 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Hải Phòng đã và đang trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, nổi bật là Tập đoàn LG, Tập đoàn SK…

Đầu tư 12.728 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tuyến đường đoạn TP. Cà Mau – Đất Mũi

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau (trong đó đoạn TP. Cà Mau đến thị trấn Năm Căn đi trùng Quốc lộ 1) nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc với kế hoạch triển khai trước năm 2030.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.

Tuyến đường bộ từ TP.Cà Mau về Đất Mũi sẽ sớm được đầu tư lớn để phát triển kinh tế - du lịch địa phương.
Tuyến đường bộ từ TP.Cà Mau về Đất Mũi sẽ sớm được đầu tư lớn để phát triển kinh tế – du lịch địa phương.

Theo Bộ Giao thông vận tải, các Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau chưa có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, chưa có trong danh mục công trình nên chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, chưa đủ cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã cơ bản hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án. Để có thể sớm triển khai đầu tư các dự án, đáp ứng nhu cầu giao thông và mong muốn của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, đảm bảo an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai các thủ tục cần thiết để cân đối, bố trí vốn cho các dự án từ nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 hoặc nguồn vốn hợp pháp khác, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 Để thuận lợi trong quá trình trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án, trước mắt Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt ngay sau khi xác định được nguồn vốn.

Cơ quan chủ quản dự án sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.

Được biết, đường Hồ Chí Minh đoạn từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau (trong đó đoạn từ TP. Cà Mau đến thị trấn Năm Căn đi trùng Quốc lộ 1) nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc với kế hoạch triển khai trước năm 2030.

Hiện trạng đoạn từ TP. Cà Mau đến Năm Căn được khai thác với quy mô tương đương đường cấp IV – Đồng bằng (bề rộng nền, mặt đường rộng 9/8 m), mặt đường đá dăm láng nhựa; khoảng 12 km đoạn qua thị trấn Năm Căn được khai thác với quy mô tương đương đường cấp III – đồng bằng (bề rộng nền, mặt đường rộng 25/21 m và 12/11 m).

Đoạn còn lại từ sau thị trấn Năm Căn đến Đất Mũi được khai thác với quy mô tương đương đường cấp V – Đồng bằng (bề rộng nền, mặt đường 7,5/6 m), mặt đường đá dăm láng nhựa và nhiều đoạn thường xuyên bị ngập khi triều cường.

Triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 9/8/2022 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 trực tuyến với địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ TP. Cà Mau đến Năm Căn và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi.

Theo kết quả nghiên cứu, Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn TP. Cà Mau – Năm Căn có chiều dài nghiên cứu khoảng 47,5 km, có quy mô đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III – Đồng bằng; bề rộng mặt cắt ngang 20,5/19,5 m (riêng đoạn qua TP. Cà Mau và Thị trấn Năm Căn là 23/19 m) gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Dự án còn thực hiện mở rộng các cầu hiện tại phù hợp khổ nền đường, riêng cầu Tân Đức đầu tư xây dựng mới.

Với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 7.142,1 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 1.048 tỷ đồng (cơ bản mặt bằng đã được triển khai từ giai đoạn trước). Hình thức, nguồn vốn đầu tư dự kiến là đầu tư công, nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi có chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 58,5 km, dự kiến đầu tư theo phương án toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III – Đồng bằng, bề rộng mặt cắt ngang 12/11 m, một số đoạn qua đô thị đầu tư theo quy mô phù hợp hiện trạng và quy hoạch của địa phương; mặt đường bê tông nhựa đối với đoạn Km0 – Km12, đoạn còn lại láng nhựa. Công trình cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, khổ cầu phù hợp khổ nền đường.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án vào khoảng 5.586,7 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 842,7 tỷ đồng (cơ bản mặt bằng đã được triển khai từ giai đoạn trước); hình thức, nguồn vốn đầu tư: Đầu tư công, nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trường hợp xác định được nguồn vốn đầu tư trong tháng 11/2024, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện ngay việc trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Với giả định được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 2 – 3/2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ có thể hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án cuối năm 2028.

Động thổ dự án Logicross Hải Phòng 55 triệu USD tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ

Chiều 19/11, Lễ động thổ dự án Logicross Hải Phòng đã được diễn ra tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng. Đây là dự án thứ hai của Tập đoàn Mitsubishi Estate (Nhật Bản) – chủ đầu tư dự án tại Việt Nam.

Logicross Hải Phòng có vị trí chiến lược gần khu vực cảng của TP. Hải Phòng, cửa ngõ giao thương lớn nhất khu vực phía Bắc Việt Nam. Dự án sở hữu kết nối giao thông thuận tiện, kết nối thuận tiện các mạng lưới giao thông trọng điểm tại trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc Việt Nam.

Phối cảnh Dự án Logicross Hải Phòng
Phối cảnh dự án Logicross Hải Phòng. Ảnh: Logicross Hải Phòng

Với quy mô 150.968 m2, Logicross Hải Phòng cung cấp khoảng 85.768 m2 nhà kho xây sẵn hiện đại, bao gồm 2 khối nhà kho độc lập. Dự án có tổng vốn đầu tư 55 triệu USD do Tập đoàn Mitsubishi Estate làm chủ đầu tư, dự kiến hoạt động vào quý III/2025. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu khách thuê, đáp ứng các yêu cầu của chứng nhận EDGE Advanced, tích hợp các tính năng bền vững để tối ưu hóa chi phí vận hành của khách thuê và giảm thiểu tác động môi trường.

Phát biểu tại lễ động thổ, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Đây là một Dự án trọng điểm, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố. Dự án này hứa hẹn góp phần quan trọng vào việc phát triển hạ tầng logistics, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, dự án cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Sự hiện diện của Logicross Hải Phòng một lần nữa khẳng định sức hút đầu tư của Hải Phòng, cũng như sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại đây”.

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cam kết sẽ đồng hành cùng chủ đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Logicross Hải Phòng được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics quan trọng tại khu vực cửa ngõ phía Bắc, phục vụ đa dạng các loại hàng hóa trong nhiều lĩnh vực. Khách thuê tại Logicross Hải Phòng sẽ được hưởng lợi từ vị trí thuận tiện và sự linh hoạt tùy chọn diện tích sàn phù hợp với nhu cầu kinh doanh, giúp tối ưu hiệu quả hoạt động. Dự án cung cấp đủ công suất điện phục vụ các hệ thống tự động hóa cùng không gian rộng rãi cho việc lưu trữ linh hoạt.

Logicross Hải Phòng được trang bị 96 sàn nâng tự động, với chiều cao thông thuỷ 10,5 m và tải trọng sàn 3 tấn/m2. Nhà kho được lắp đặt hệ thống đầu phun nước ESFR theo tiêu chuẩn TCVN, 3 điểm sạc cho xe nâng trong mỗi đơn vị thuê (2 điểm trong kho, 1 điểm tại khu vực bốc dỡ hàng), hệ thống chiếu sáng LED 150 lx và công suất điện 25 VA/ m2. Hệ thống an ninh 24/7 với tính năng giám sát cao cũng giúp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành an toàn và liên tục.

Tại lễ động thổ, ông Takashi Kagamoto, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mitsubishi Estate Việt Nam nhấn mạnh: “Nhờ vào lợi thế về vị trí địa lý cùng những chính sách ưu đãi từ Chính phủ, đầu tư FDI vào Hải Phòng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Điều này đã tạo ra một sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu logistics từ các ngành công nghiệp sản xuất trong nước và quốc tế. Kéo theo đó là sự tăng trưởng đáng kể nhu cầu về các cơ sở hạ tầng logistics chất lượng cao, để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Sau khởi đầu với dự Logicross Nam Thuận tại tỉnh Long An, Mitsubishi Estate đang hướng tới mở rộng sự hiện diện tại miền Bắc với dự án Logicross Hải Phòng. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của tập đoàn, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hạ tầng logistics tại Việt Nam”.

Đặc biệt, tại Hải Phòng, Mitsubishi Estate đã lựa chọn khu công nghiệp Nam Đình Vũ của Tập đoàn Sao Đỏ – đây là một khu công nghiệp có hạ tầng kết nối tốt, cơ sở về điện và các lĩnh vực khác rất tốt và gần Cảng Hải Phòng. Cùng với sự phát triển mở rộng không ngừng của Tập đoàn Sao Đỏ, dự báo sẽ thu hút các ngành công nghiệp sản xuất mới, dẫn đến gia tăng nhu cầu về logistics tại khu vực xung quanh dự án.

Trước đó, ngày 18/10, Mitsubishi Estate cũng đã tổ chức Lễ khởi công dự án Logicross Nam Thuận, tỉnh Long An. Dự án tại Long An chính thức đánh dấu bước tiến vào thị trường hạ tầng logistics tại Việt Nam của Tập đoàn Mitsubishi Estate.

Tăng 189 tỷ đồng đầu tư đường Khu công nghiệp Bỉm Sơn – Nga Sơn – Hoằng Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt điều chỉnh dự án Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa từ 900 tỷ lên hơn 1.089 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, việc điều chỉnh Dự án là cần thiết do trong quá trình triển khai, chính sách nhà nước thay đổi làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và biến động giá nhiên, vật liệu, nhân công, máy thi công làm tăng chi phí xây dựng, dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐUBND ngày 05/02/2021 là 900 tỷ đồng, sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư là hơn 1.089 tỷ đồng. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng điều chỉnh nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn, vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đầu tư từ các chi phí của dự án và chi phí bồi thường GPMB dự án trên địa bàn huyện Hà Trung đã được bố trí 718,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 716,6 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là 2 tỷ đồng. 

Vốn đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng đoạn qua huyện Nga Sơn, gồm: nguồn ngân sách tỉnh 120 tỷ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh là 80 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách huyện Nga Sơn đảm nhận phần còn lại.

Vốn ngân sách thị xã Bỉm Sơn đảm nhiệm phần còn lại để thực hiện chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn.

Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa được điều chỉnh theo tiến độ thời gian thực hiện dự án. 

Dự án Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa sẽ được đi vào hoạt động năm 2025.

Đầu tư hơn 2.975 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn VI

Theo chấp thuận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Hà Nam là nhà đầu tư Dự án.

Dự án được triển khai ở xã Tiên Ngoại, xã Yên Nam và xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với diện tích 250 ha, tổng nguồn vốn đầu tư là 2.975,581 tỷ đồng.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ; tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án; bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 182 Luật Đất đai.

Trường hợp trong khu vực thực hiện dự án có tài sản công, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước. Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý (nếu có) cần đảm bảo đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giám sát, đánh giá dự án đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 70 Luật Đầu tư, Điều 72 và Điều 93 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đồng thời, thực hiện trách nhiệm giám sát, đánh giá dự án đầu tư của cơ quan đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 70 Luật Đầu tư, Điều 71 và Điều 94 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đồng Văn VI được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Hà Nam (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo Quyết định này; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Đồng Văn VI đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai…

Đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall Cần Thơ, vốn 5.400 tỷ đồng

Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển vừa ký ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hoa Lâm Cần Thơ thực hiện Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng Aeon Mall Cần Thơ (tên rút gọn: Trung tâm thương mại Aeon Mall Cần Thơ).

Trung tâm thương mại Aeon Mall Cần Thơ dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2027. Ảnh minh họa

Mục tiêu dự án là đầu tư, xây dựng, quản lý, kinh doanh và phát triển trung tâm thương mại tổng hợp và cung cấp các dịch vụ có liên quan, bao gồm: dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi cho trẻ em (không bao gồm trò chơi điện tử có thưởng) và cho thuê các quầy, kệ bán hàng, không gian bán hàng đã được đầu tư hoàn thiện, xây dựng, lắp đặt, trang trí.

Thuê và cho thuê lại mặt bằng, nhà kho, hội trường và các hạng mục khác trong trung tâm thương mại.

Dịch vụ tư vấn bất động sản; dịch vụ quản lý bất động sản; dịch vụ lắp đặt; dịch vụ hoàn thiện và kết thúc công trình xây dựng; xây dựng các công trình xây dựng; thực hiện quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu, quyền phân phối bán buôn (không lập cơ sở bán buôn) và quyền phân phối bán lẻ (không lập cơ sở bán lẻ) các hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam…

Về quy mô sử dụng đất, dự án có tổng diện tích đất dự kiến nhận chuyển nhượng khoảng 84.998,5 m2 và phần đất nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án không đảm bảo điều kiện, tiêu chí để tách thành dự án độc lập theo Quyết định số 19/2024/QĐ-UBND ngày 11/10/2024 của UBND thành phố có diện tích khoảng 3.871,57 m2 (số liệu thực tế thực hiện theo kết quả đo đạc và quyết định của cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê đất đảm bảo đúng quy định).

Tổng diện tích sàn xây dựng toàn dự án khoảng 195.073 m2 (không bao gồm tầng hầm), trong đó: Giai đoạn 1 (trung tâm thương mại 1) có diện tích sàn xây dựng khoảng 113.921 m2; Giai đoạn 2 (trung tâm thương mại 2 và toà nhà đỗ xe) có diện tích sàn xây dựng khoảng 81.152 m2.

Dự án vốn đầu tư 5.400 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 1.080  tỷ đồng, vốn huy động 4.320 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Địa điểm thực hiện dự án tại Khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Về tiến độ thực hiện dự án, Giai đoạn 1 (Trung tâm Thương mại 1): Dự kiến hoàn thành các thủ tục hành chính có liên quan, khởi công, hoàn thành xây dựng và đưa công trình vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Giai đoạn 2 (Trung tâm Thương mại 2 và tòa nhà đỗ xe): Trong thời hạn 10 năm sau khi giai đoạn 1 khai trương và tùy vào tình hình kinh tế của địa phương và khu vực.

Thủ tướng duyệt tăng vốn Nhà nước xây cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh lên 9.800 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1436/QĐ – TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức PPP đã được phê duyệt tại Quyết định số 20/QĐ – TTg ngày 16/1/2023.

Thi công hầm số 2 trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Thi công hầm số 2 trên cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 của Dự án là 14.114,781 tỷ đồng;  tổng mức đầu tư giai đoạn 2 sẽ được tính toán chính xác khi xác định được thời điểm bắt đầu thực hiện.

Thủ tướng cũng quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư Dự án giai đoạn 1. Theo đó, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác) là 4.314,781 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước tham gia là 9.800 tỷ đồng (trước đó là 6.580 tỷ đồng).

Nguồn vốn Nhà nước sẽ gồm vốn hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm cho toàn bộ Dự án).

Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 5.720 tỷ đồng (gồm 2.500 tỷ đồng giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và 3.220 tỷ đồng thuộc giai đoạn 2026 – 2030); vốn ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dự án cũng được điều chỉnh điều chỉnh thời gian thực hiện, trong đó giai đoạn 1 là từ 2020 đến năm  2026; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 22 năm 4 tháng. Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện sau năm 2026.

Nhà đầu tư được sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc.

Mức phí của Dự án sẽ thu theo các quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng, nhà đầu tư. Phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án thực hiện theo Điều 69, Điều 70 Luật PPP.

Dự kiến giá vé trên tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với hình thức thu phí kín, mức giá vé 5 nhóm phương tiện lần lượt là: 2.000 – 2.860 – 3.520 – 5.710 – 7.710 (đồng/km), định kỳ sau 3 năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có đánh giá để xem xét điều chỉnh giá vé sử dụng đường bộ của Dự án.

Thủ tướng cho phép Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo phụ lục III (dự án đường bộ qua các địa phương giao một địa phương làm cơ quan chủ quản) và phụ lục IV (dự án áp dụng chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) của Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc Hội.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 và Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Cao Bằng chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong hồ sơ báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh theo quy định và tiếp thu ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền và rà soát việc lựa chọn nhà đầu tư khi Dự án có điều chỉnh chủ trương đầu tư, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Cao Bằng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát các nội dung đã đàm phán ký kết Hợp đồng giữa các Bên, điều chỉnh hợp đồng Dự án BOT theo đúng quy định của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước – Nhà đầu tư – Người dân.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà đầu tư), tính đến giữa tháng 11/2024, tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 87,4 km/93,35 km (tương đương 93,6%) trong đó tỉnh Cao Bằng đạt 41,1/41,55 km (tương đương 99%), tỉnh Lạng Sơn đạt 46,3/51,8 km (tương đương 90%).

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công “3 ca 4 kíp”, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao.

Hiện Dự án đã giải ngân được 1.429 tỷ đồng các nguồn vốn bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước, vốn nhà đầu tư huy động và 120 tỷ đồng vốn tín dụng.

Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025.

Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng

Bộ GTVT được đề nghị phối hợp với các địa phương đánh giá, làm rõ về sơ bộ tổng mức đầu tư, sự chênh lệch trong suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku giữa hai đoạn tuyến trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai.

Đây là một trong những nội dung trong công văn số 9505/BKHĐT – PTHTĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có chiều dài dự kiến 180 km, điểm đầu tại cảng Nhơn Hội, tỉnh Bình Định và điểm cuối tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Nay, Bộ GTVT và các địa phương đề xuất đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có chiều dài 123 km, điểm đầu tại thị xã An Nhơn và tiến trình đầu tư trước năm 2030 là chưa phù hợp với Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ – TTg ngày 1/9/2021.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở, sự cần thiết và báo cáo Thủ tướng về những nội dung khác nhau giữa quy mô đầu tư Dự án với quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời làm rõ cơ quan chủ quản Dự án sẽ là Bộ GTVT hay UBND 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định làm cơ sở xác định trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Theo rà soát, cập nhật tại thời điểm hiện tại, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku 35.940 tỷ đồng với chiều dài tuyến khoảng 123 km, quy mô 4 làn xe theo quy hoạch; suất đầu tư Dự án khoảng 292 tỷ đồng/km.

Suất đầu tư này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là khá lớn so với một số tuyến cao tốc trục Đông – Tây tại khu vực kết nối vùng Duyên hải Trung bộ với vùng Tây Nguyên như: tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với chiều dài khoảng 117,5 km, quy mô 4 làn xe phân kỳ có tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 187 tỷ đồng/km; tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành với chiều dài khoảng khoảng 128,8 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư là 25.540 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 198 tỷ đồng/km và tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lạt với chiều dài khoảng khoảng 99 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư là 25.058 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 253 tỷ đồng/km.

Theo báo cáo của UBND liên tỉnh Gia Lai và Bình Định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 5/2024, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định có chiều dài tuyến 57,6 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18.200 tỷ đồng có suất đầu tư trung bình khoảng 317 tỷ đồng/km; đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai có chiều dài tuyến 85,6 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.373 tỷ đồng có suất đầu tư trung bình khoảng 226 tỷ đồng/km.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương cần đánh giá, làm rõ hơn nữa về sơ bộ tổng mức đầu tư, sự chênh lệch trong suất đầu tư của Dự án giữa hai đoạn tuyến trên địa bàn 2 tỉnh và các tuyến khác, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định khi đủ điều kiện thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND liên tỉnh Gia Lai và Bình Định đã báo cáo “với kịch bản mức hỗ trợ vốn của nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo quy định của Luật PPP, Dự án không đảm bảo hiệu quả về tài chính theo quy định.

Trường hợp để Dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn với các kịch bản khoảng 25 năm, 18 năm, 10 năm, mức vốn của nhà nước cần tham gia hỗ trợ Dự án chiếm tỷ lệ từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư, vì vậy việc đầu tư theo phương thức PPP không hiệu quả, khó khả thi”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong phân tích nêu trên, UBND liên tỉnh Gia Lai và Bình Định mới báo cáo sơ bộ, chưa có báo cáo đánh giá, phân tích kỹ về những số liệu, thông số đầu vào, đầu ra của Dự án theo phương thức PPP để có căn cứ, cơ sở báo cáo Thủ tướng.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT phối hợp với hai tỉnh Gia Lai và Bình Định phân tích, làm rõ, đưa ra các thông tin, số liệu tính toán cụ thể để chứng minh nhận định nêu trên; đồng thời thống nhất về thông tin, số liệu giữa báo cáo của Bộ và báo cáo của 2 địa phương (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia để Dự án có hiệu quả về mặt tài chính) để chứng minh sự phù hợp và sự cần thiết phải chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công.

Bộ GTVT cũng được lưu ý chỉ đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn đầu tự công khi không thể huy động nguồn vốn đầu tư Dự án bằng các phương thức đầu tư khác và có khả năng cân đối nguồn vốn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư Dự án, đảm bảo tính khả thi, trong đó có tính đến phương án phân cấp cho từng địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý để đầu tư các đoạn tuyến đi qua địa bàn quản lý nhằm giảm áp lực cho nguồn vốn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2026 – 2030.

TP.HCM đề xuất chi 1.850 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa có báo cáo số 5955/BC –SVHTT gửi UBND Thành phố, HĐND Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư về Báo cáo nghiên cứu tiền khá thi Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Quận 3 (gọi tắt là Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng).

Khu đất xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng để lãng phí nhiều năm nay giữa trung tâm TP.HCM – Ảnh: Lê Toàn 

Theo báo cáo, Dự án được đầu tư trong khuôn viên khu đất rộng 14.417 m2 của nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũ, tại Quận 3, TP.HCM.

Dự án dự kiến xây dựng 3 tầng nổi và 3,5 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng tối đa (tính cả phần ngầm) là 59.679 m2, chiều cao công trình là 28 m.

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng sẽ đáp ứng cho nhu cầu tập luyện và thi đấu 13 môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, đấu kiếm, cầu lông… Khán đài được thiết kế từ 4000-5000 ghế ngồi.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.850 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách Thành phố.

Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024-2029. Trong đó, năm 2024, sẽ lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Năm 2025 thi tuyển phương án kiến trúc (nếu có); lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Năm 2026 sẽ lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công; khởi công xây dựng công trình. Năm 2027, tiếp tục thi công; năm 2028, hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Năm 2029, sẽ quyết toán Dự án.

Với tiến độ như Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đề xuất, dự án rất khó để khởi công trước ngày 30/4/2025 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố.

Trước đó, cuối tháng 4/2024, UBND TP.HCM quyết định dừng thực hiện Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức BT để chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách Thành phố.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thỏa thuận chấm dứt với nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện xong do hai bên chưa thống nhất được phương án đền bù cho doanh nghiệp.

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc tại khu đất “vàng” trên diện tích 1,44 ha tại khu vực trung tâm Quận 3, TP.HCM, được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT năm 2010 và được phê duyệt dự án vào năm 2016.

Tháng 6/2018, UBND TP.HCM ký bản thoả thuận đầu tư với Liên danh Tổng Công ty cổ phần đền bù giải tỏa – Công ty cổ phần bất động sản Phát Đạt để thực hiện Dự án.

Tuy nhiên, Dự án chưa kịp khởi công thì hình thức đầu tư BT bị “khai tử”, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (Luật PPP), có hiệu lực từ đầu năm 2021. Từ đó đến nay, Dự án bị tắc không thể triển khai.

Do chậm tiến độ, tổng mức đầu tư Dự án tăng từ 988 tỷ đồng lên thành 2.215 tỷ đồng. Cuối tháng 4/2024, UBND TP.HCM ra quyết định dừng thực hiện Dự án theo hình thức BT để chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách.

Hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp Bình Thuận

Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy công nghiệp Neotek Việt Nam tại KCN Hàm Kiệm II – Bita’s và dự án Nhà máy sản xuất ván sàn, các sản phẩm nội thất gỗ tự nhiên tại KCN Tân Đức.

Bình Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai Dự án quy mô 2.300 tỷ đồng (Hình minh họa KCN Tân Đức)
Bình Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai Dự án quy mô 2.300 tỷ đồng (Hình minh họa KCN Tân Đức)

Dự án Nhà máy công nghiệp Neotek Việt Nam của Công ty NeoSCM Limited có vốn đăng ký đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng (tương đương 88 triệu USD), triển khai trên diện tích 13,238 ha tại KCN Hàm Kiệm II thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. 

Ông Phùng Hữu Cư, Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết, Neotek Việt Nam là nhà máy sản xuất đĩa phanh xe cơ giới các loại với quy mô công suất khoảng 120.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án sẽ được triển khai đầu tư trong quý IV năm 2024 và hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh trong năm 2027.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn và các sản phẩm nội thất gỗ tự nhiên của Công ty TNHH Aurawood Bình Thuận có vốn đăng ký đầu tư hơn 100 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 1,5 ha tại KCN Tân Đức, huyện Hàm Tân. Nhà máy này có quy mô công suất đạt 50.000 m2 gỗ ván sàn và 6.000 m3 gỗ các loại/năm. Dự án sẽ được triển khai đầu tư từ quý IV năm 2024 và hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh trong năm 2026. 

Đánh giá về các dự án này, ông Cư khẳng định, đây là những dự án có quy mô, công suất khá lớn thuộc những lĩnh vực mà tỉnh đang khuyến khích đầu tư; đồng thời, các dự án này cũng nằm trong chiến lược phát triển, kêu gọi đầu tư vào thời gian tới và phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Đà Nẵng cấp mới 60 dự án vốn FDI

Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, tính đến cuối tháng 10/2024, Thành phố đã thu hút được 210,055 triệu USD vốn FDI. Trong đó, cấp mới 60 Dự án với vốn đăng ký là 203,684 triệu USD.

Những dự án mới này đưa tổng số dự án FDI trên địa bàn TP.Đà Nẵng lên con số 1.012 dự án, tổng vốn đầu tư gần 4,55 tỷ USD. Ngoài ra, hiện có 40.984 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động tại Đà Nẵng với tổng số vốn đăng ký đạt 255.4623 tỷ đồng.

Thành phố Đà Nẵng đã đón dòng vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp FDI trong năm 2024.

Thành phố Đà Nẵng cũng thu hút được 34.694,60 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Trong đó, cấp mới Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 26.945 tỷ đồng; cấp điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn tăng thêm là 7.749 tỷ đồng.

Lũy kế đến này, TP.Đà Nẵng có 380 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư là 224.044 tỷ đồng.

Đồng thời, có 399 dự án trong nước nằm khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin với vốn đầu tư 34.780 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, Thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong đó, Đà Nẵng chú trọng triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trình tự thủ tục, triển khai các dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn; triển khai thủ tục tháo gỡ các dự án để khơi thông nguồn lực theo Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã tích cực triển khai các hoạt động của Tổ công tác liên ngành về Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, thực hiện rà soát và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang xúc tiến và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đồng thời nhiều nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do Trung ương ban hành và chính sách hỗ trợ riêng của thành. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ số…, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam…

Ứng trước hơn 410 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký ban hành Quyết định về việc ứng trước kế hoạch vốn cho Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 – Km7), TP. Cần Thơ từ các nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương.

Theo đó, UBND TP. Cần Thơ giao 410,161 tỷ đồng kế hoạch vốn ứng trước cho Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 – Km7) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự án có điểm đầu tại nút giao đường Cách Mạng Tháng 8 – Hùng Vương – Trần Phú – Nguyễn Trãi, thuộc địa phận quận Ninh Kiều

Trong đó, nguồn thu vượt sử dụng đất năm 2023 là 196,573 tỷ đồng; nguồn thu vượt xổ số kiến thiết năm 2023 là 213,588 tỷ đồng.

UBND TP. Cần Thơ giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo đúng quy định.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 – Km7), TP. Cần Thơ được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 1644/QĐ-UBND ngày 23/7/2024.

Dự án có điểm đầu Km0+000 tại nút giao đường Cách Mạng Tháng 8 – Hùng Vương – Trần Phú – Nguyễn Trãi, thuộc địa phận quận Ninh Kiều. Điểm cuối tại cột Km7 Quốc lộ 91, kết nối với đoạn Km7+00 – Km14+000 (do Bộ Giao thông vận tải thực hiện) đang khai thác, thuộc địa phận quận Bình Thủy.

Về quy mô dự án, phần tuyến chính là đường đô thị, tốc độ thiết kế Vtk = 60 km/h. Tổng chiều dài tuyến khoảng 7.040m, bao gồm phần cầu Bình Thủy có chiều dài khoảng 145m (chiều dài cầu chính).

Về trắc ngang tuyến đường, các đoạn từ Km0+000 (đầu tuyến) đến khoảng Km3+772,06 (vuốt nối mở rộng vào đường đầu cầu Bình Thủy) và từ khoảng Km4+496,15 (vuốt nối mở rộng đường đầu cầu Bình Thủy) đến Km7+045,81 (cuối tuyến, cột Km7 Quốc lộ 91), mặt cắt ngang đường rộng Bnền = 37,0m.

Đoạn cầu Bình Thủy, từ Km3+832,06 (đường đầu cầu phía quận Ninh Kiều) đến Km4+435,83 (đường đầu cầu phía quận Bình Thủy), mặt cắt ngang cầu rộng Bcầu = 28,0m.

Các đoạn vuốt nối mở rộng từ khoảng Km3+772,06 đến Km3+832,06 và từ Km4+435,83 đến khoảng Km4+496,15, mặt cắt ngang mở rộng từ Bnền = 37,0m – 48,0m.

Trên tuyến có 11 vị trí nút giao đồng mức, kết nối với các đường hiện hữu. Thiết kế vuốt nối vào đường hiện hữu và bố trí làn chờ cho xe rẽ trái đặt trên tuyến chính. Riêng nút giao đầu tuyến điều chỉnh dạng thức nút từ vòng xuyến thành phân làn bằng đảo giao thông và bố trí đèn tín hiệu.

Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng gần 7.238 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 5.556 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 1.302 tỷ đồng; còn lại là chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng.

Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2027. Khi đó sẽ nâng cao hiệu quả khai thác Quốc lộ 91 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ, đặc biệt là kết nối Khu cảng – Khu công nghiệp Trà Nóc, Sân bay Cần Thơ với các địa bàn lân cận; giảm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra và tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đoạn tuyến Km0 – Km7.

Nguồn: https://baodautu.vn/binh-dinh-thu-hut-them-du-an-20-trieu-usd-hai-phong-dong-tho-nha-may-ton-thep-45-trieu-usd-d230743.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Agribank triển khai cho vay lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Agribank triển khai cho vay lúa gạo chất lượng cao Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt...

Bãi bỏ 30 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực Công Thương

  Theo đó, Thông tư số 25/2024/TT-BCT bãi bỏ toàn bộ 30 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, liên tịch ban hành sau đây: 1. Quyết định số 90/NL-KHKT, ngày 22/02/1994 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng ban hành Quy trình vận hành hệ thống tải điện 500kV. 2. Quyết định số 772/2003/QĐ-BTM, ngày 24/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành nội quy mẫu về chợ. 3. Quyết định số 1059/2005/QĐ-BTM,...

Thủ tướng đồng ý nghỉ 09 ngày liên tục

  Ảnh: BÁ THI   Xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 5152/BLĐTBXH-CATLĐ, ngày 22/10/2024 và Văn bản số 5621/BLĐTBXH-CATLĐ, ngày 08/11/2024 về phương án nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh và một số dịp nghỉ lễ khác trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các văn...

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để nâng cao các chỉ số

  Đại biểu tham dự hội nghị.   Chiều nay (ngày 26/11), đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính; Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và Chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh (Ban chỉ đạo) cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Trung Hoàng, Nguyễn Quỳnh Thiện, Châu Văn Hòa chủ trì hội nghị đánh giá các chỉ số PCI, PGI, PAR Index, PAPI...

Tập huấn xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cho sản phẩm nông sản

  Nông dân tham dự tập huấn tìm hiểu về bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.   Đây là hoạt động thuộc Dự án “Chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp sinh thái thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng giữa và ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” (gọi tắt là Dự án STAR-FARM). Tham dự buổi tập huấn có Tiến sĩ Tạ Hồng Lĩnh, Phó trưởng Ban Khoa học và Hợp tác...

Cùng chuyên mục

Agribank triển khai cho vay lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Agribank triển khai cho vay lúa gạo chất lượng cao Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt...

Thủ tướng đồng ý nghỉ 09 ngày liên tục

  Ảnh: BÁ THI   Xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 5152/BLĐTBXH-CATLĐ, ngày 22/10/2024 và Văn bản số 5621/BLĐTBXH-CATLĐ, ngày 08/11/2024 về phương án nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh và một số dịp nghỉ lễ khác trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các văn...

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để nâng cao các chỉ số

  Đại biểu tham dự hội nghị.   Chiều nay (ngày 26/11), đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính; Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và Chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh (Ban chỉ đạo) cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Trung Hoàng, Nguyễn Quỳnh Thiện, Châu Văn Hòa chủ trì hội nghị đánh giá các chỉ số PCI, PGI, PAR Index, PAPI...

Chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

  Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính. Công điện nêu: Những ngày qua, tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên...

Tập trung nguồn lực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2024

  Lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì hội nghị.   Tham dự hội nghị, có lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh; các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: tháng 11/2024, các cấp, các ngành tập trung thực hiện kế hoạch và chương trình công tác năm 2024 trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, các...

Thăng quân hàm, nâng bậc lương 60 quân nhân chuyên nghiệp

  Đại tá Trương Văn Thẩm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao quyết định và gắn quân hàm tại buổi lễ.   Dự buổi lễ có Đại tá Lê Văn Thống, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị... Theo quyết định của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 9, trong đợt này lực lượng quân sự tỉnh Trà Vinh có 60 quân nhân chuyên nghiệp ở các cơ quan, đơn...

Đại biểu Quốc hội: Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến

Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok. Theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) năm 2023, các nền tảng này chiếm hơn 75% doanh thu quảng...

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 76 năm ngày Nhân quyền thế giới

  Thực hiện Kế hoạch số 05/KH-BCĐNQ, ngày 14/10/2024 của Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ về việc triển khai đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu đảm bảo quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2024), Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Trà Vinh xây dựng Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ...

Trên 140 học viên tham gia lớp Bồi dưỡng công tác dân vận các cấp

  Đại biểu dự lễ khai giảng lớp bồi dưỡng công tác dân vận các cấp (đợt 1) năm 2024.   Tham dự lễ khai giảng có các đồng chí: Kim Rương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy; Kim Chí Hòa, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Thạc sĩ Cao Hoàng Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường...

Thường trực HĐND tỉnh họp chuẩn bị Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024

  Quang cảnh phiên họp.   Tham dự phiên họp có các đồng chí: Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; trưởng các ban HĐND tỉnh;...

Tin nổi bật

Tin mới nhất