Đồng chí Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa khảo sát vùng lúa của người dân ấp Cẩm Hương sẽ thực hiện theo Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đồng chí Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa cho biết: xác định nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của xã, tạo việc làm, tăng cao thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM. Vì thế, việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm nông sản được xã quan tâm thực hiện. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp là giảm diện tích lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích cây, con có giá trị kinh tế cao nhưng đảm bảo quy hoạch hàng năm của xã. Hàng năm, diện tích lúa xuống giống đạt 100% kế hoạch đề ra, năm 2024 xuống giống 1.200ha, tổng sản lượng đạt 6.955 tấn.
Thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh ban hành quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, đến nay có 7,5ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa gấp 03 – 04 lần so với cây lúa trước đó. Bên cạnh đó, người dân mạnh dạn đưa cây màu xuống chân ruộng vào mùa khô, từ đó diện tích gieo trồng tăng lên hàng năm. Năm 2024 cây màu xuống giống được 1.260ha, đạt 100% Nghị quyết.
Song song đó, xã chỉ đạo các đoàn thể chính trị – xã hội vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như: mô hình nuôi cá rô đơn tính kết hợp với nuôi tôm thẻ, nuôi bò sinh sản; trồng táo nhà lưới; trồng đậu phộng VietGAP; đồng thời, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất giúp người dân áp dụng các quy trình sản xuất hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, tăng thu nhập, thu nhập năm 2024 đạt 72,53 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo của xã cuối năm 2024, còn 59 hộ nghèo và hộ 23 hộ cận nghèo.
Thủy sản có bước phát triển khá, đặc biệt con tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, các mô hình lúa – cá, lúa – tôm, nuôi nhữ tôm, cá tự nhiên được củng cố và duy trì. Năm 2024, được Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ, xã triển khai mô hình khảo nghiệm nuôi cá rô phi Genomar kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng tại hộ Đào Văn Hiếu ấp Bờ Kinh 1, trên 2.000m2, với 10.000 con cá giống và 40.000 con tôm giống. Sau 135 ngày nuôi, sản lượng đạt 7,2 tấn, tổng thu gần 317 triệu đồng, lợi nhuận trên 117 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá rô phi kết hợp tôm thẻ chân trắng, giúp người nuôi tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích, lợi nhuận cao, đặc biệt người nuôi tận dụng những ao nuôi tôm bị thiệt hại không phù hợp chuyển sang nuôi cá rô phi, cải thiện môi trường nước trong ao và hạn chế mầm bệnh trên tôm, trong quá trình nuôi ít sử dụng thuốc hóa chất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện, mô hình này giúp cá nuôi ít bị bệnh, giảm rủi ro, tỷ lệ sống cao, tăng năng suất. Tôm sử dụng thức ăn tự nhiên, thức ăn thừa, bùn bã hữu cơ giúp cải thiện môi trường nước. Cá ăn thức ăn công nghiệp dạng nổi nên kiểm soát tốt thức ăn của cá từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi, giảm chi phí nuôi. Mô hình thực hiện thành công góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản phát triển.
Theo đồng chí Thạch Ru La, thời gian tới xã khuyến khích, vận động người dân nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi kết hợp với tôm thẻ chân trắng nhằm cải thiện môi trường nuôi thủy sản, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Cùng với đó, xã định hướng sản xuất lúa mùa hàng năm 850ha và 350ha lúa hè – thu, 40ha lúa hữu cơ để tăng cường thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Nhân rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, đến năm 2030 có trên 150ha lúa sản xuất theo đề án 01 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tập trung ở ấp Sóc Hoang, Hòa Hưng, Cẩm Hương, bao gồm lúa ngắn ngày và dài ngày để tăng hiệu quả trong sản xuất.
Tập trung mở rộng diện tích thâm canh cây màu, bố trí trên đất triền giồng và dưới chân ruộng vào mùa khô; trồng luân canh quay nhiều vòng trong năm; phấn đấu xuống giống hàng năm đạt 1.200ha, trong đó có 110ha đậu phộng. Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất, tăng cường công tác bảo vệ thực vật, phòng, chống dịch bệnh; từng bước thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ sinh học, nhằm tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Tiếp tục chỉ đạo từng khu vực, vận động đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, nhân rộng những mô hình đã canh tác 800ha có hiệu quả như mô hình nuôi tôm càng xanh, cá các loại xen canh trong ruộng lúa tập trung ở ấp Bờ Kinh 1 và Bờ Kinh 2 và những khu vực có điều kiện nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng như: đồng cù lao Cẩm Hương, Bào Sen, Hòa Thịnh, Bờ Kinh 1, Bờ Kinh 2, Mỹ Cẩm B. Đồng thời luân canh lúa – tôm, tận dụng mặt nước trồng lúa để nuôi cá, nuôi nhữ tôm tép tự nhiên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế – xã hội của xã phát triển.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Nguồn: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/xa-my-hoa-day-manh-thuc-hien-de-an-tai-co-cau-nong-nghiep-41501.html