Làng nghề dệt chiếu Cà Hom xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được hình thành cách nay hàng trăm năm. Từ chỗ tự sản xuất, tự tiêu thụ, làm quà biếu, chiếu Cà Hom dần dần trở thành hàng hóa, được nhiều người biết đến và ngày càng có nhiều gia đình làm nghề.
Bà Diệp Thị Som ở xã Hàm Tân, huyện Trà Cú cho biết, dệt chiếu là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình tại đây. Hiện sản phẩm chiếu của làng nghề chủ yếu là chiếu hoa với các hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer. Riêng gia đình bà, dù đã nhiều đời làm nghề nhưng vẫn giữ cách dệt bằng tay, một ngày cũng được 01 cặp chiếu hoa. Dù thu nhập không cao nhưng ổn định và góp phần gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà Diệp Thị Som tâm sự: “Nghề dệt chiếu này cũng bền, cũng đủ nuôi con ăn học. Nhà chỉ làm vài công ruộng và dệt chiếu thôi, thấy cũng ổn. Tôi cũng muốn đào tạo cho con cháu sau này tiếp tục theo nghề. Tôi nghĩ con cháu nó sẽ tiếp tục giữ nghề”.
Còn anh Kim Khanh chia sẻ, từ nhỏ anh đã học nghề dệt chiếu từ gia đình. Nghề này cực nhất là lúc đi cắt lác, chẻ lác, phơi khô. Để dệt ra một chiếc chiếu thường mất khoảng vài tiếng đồng hồ, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỷ mỉ trong từng công đoạn. Dệt thủ công thì cần hai người cùng làm, một người luồn sợi lác vào khuôn và một người kéo dập khung dệt. Những hộ không dệt thì làm lác, tuy thu nhập không cao nhưng vẫn đảm bảo trang trải sinh hoạt gia đình.
Anh Kim Khanh nói: “Nghề này chủ yếu lấy công làm lời, một ngày kiếm được hơn 200 ngàn đồng/ người. Nhưng không phải đi làm thuê và có thể làm tại nhà. Lác nguyên liệu thì người ta phơi sẵn, mình mang về nhuộm màu và phơi lại cho khô, nói chung cũng nhàn”.
Khác với hộ bà Diệp Thị Som và anh Kim Khanh, gia đình bà Mã Thị Nhứt đã chuyển từ dệt thủ công sang dùng máy. Bà Nhất cho biết gia đình bà đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề, trước kia sản phẩm chủ yếu là chiếu trơn, giá trị thấp đời sống gặp không ít khó khăn. Để hợp với thị hiếu khách hàng và tăng năng suất, bà quyết tâm đầu tư mua 02 máy dệt và 01 máy may viền. Từ khi dệt bằng máy, năng suất cao hơn gấp 3-4 lần so với dệt thủ công, nhờ đó thu nhập cũng tăng theo. Trung bình mỗi tháng bà bán ra thị trường hàng chiếc chiếu, thu nhập mang lại đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Nay dù kinh tế đã khá giả, nhưng hiện con gái đầu của bà tiếp tục theo nghề.
Bà Mã Thị Nhứt chia sẻ: “Trước đây dệt bằng tay phải có 2 người mới làm được, nhưng hiện đã thiếu người nên phải đầu tư dệt bằng máy. Dệt tay 1 ngày được 3 chiếc, còn dệt bằng máy thì được hơn chục chiến. Dệt tay sử dụng dây gân, còn dệt máy sử dụng dây nhợ, và chiếu dày hơn. Làm chiếu thì có đồng ra đồng vô, đủ xoay sở”.
Làng dệt chiếu Cà Hom được hình thành cách đây gần 100 năm, các hộ làm nghề tập trung chủ yếu ở ấp Chợ, ấp Cà Hom và Bến Bạ thuộc xã Hàm Tân. Đây là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được các thế hệ người dân truyền nghề theo hình thức cha truyền con nối. Dù có lúc gần như sắp bị mai một vì thiếu nguyên liệu, đầu ra bấp bênh, không theo kịp thị hiếu khách hàng nhưng bằng tình yêu nghề, yêu văn hóa truyền thống, người dân Hàm Tân đã tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư cơ giới hóa để tăng năng suất và giảm giá thành. Đặc biệt cuối năm 2014, UBND tỉnh Trà Vinh quyết định công nhận làng nghề truyền thống này.
Những năm gần đây, mỗi năm làng nghề cho ra thị trường gần 5.000 chiếc chiếu các loại, tổng danh thu hơn 5,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Chí Nguyện, Chủ tịch UBND xã Hàm Tân, huyện Trà Cú cho biết: “Được sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện cũng như các ban, ngành đã tạo điều kiện cho bà con của mình vay vốn; thứ hai hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, máy dệt các loại. Nhờ đó làng nghề dệt chiếu đã tạo được việc làm ổn định cho hơn 150 lao động trong làng nghề”.
Mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có Quyết định đưa nghề dệt chiếu Cà Hom vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống. Hy vọng rằng, sắp tới làng nghề dệt chiếu Cà Hom sẽ có thêm điều kiện để phát triển, tạo bước chuyển, nâng cao thu nhập cho người lao động và góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.