– Thời gian qua, dư luận đã không ít lần bày tỏ bức xúc về một số trường hợp nhà báo nhũng nhiễu, đe dọa doanh nghiệp để vòi vĩnh, kiếm hợp đồng quảng cáo. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về thực trạng này?
– Dù đã có nhiều “gương tày liếp” là các nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bị bắt quả tang, khởi tố vì vi phạm pháp luật, nhưng tình trạng “nhà báo đếm tầng”, nhóm phóng viên chuyên đi tống tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp hay việc một số cơ quan báo cử phóng viên đi “đánh” doanh nghiệp để kiếm hợp đồng quảng cáo vẫn tồn tại. Thậm chí, nếu như trước đây có tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” thì nay, đây đó còn xuất hiện kiểu “sáng đăng, sáng gặp, sáng gỡ”. Mới đây, đầu tháng 5-2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 3 cộng tác viên của một số tạp chí để điều tra, làm rõ hành vi “cưỡng đoạt tài sản”… Rất đáng tiếc, những vụ việc như vậy không còn là chuyện lạ. Hệ lụy của tình trạng này rất lớn, làm suy giảm sâu sắc lòng tin của công chúng đối với giới báo chí, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền của báo chí.
– Theo ông, đâu là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này?
– Các trường hợp vi phạm của các nhà báo, cộng tác viên bị phát hiện được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Có người đổ lỗi cho cơ chế thị trường, áp lực tự chủ khiến họ phải tìm mọi cách để kiếm lợi nhuận, buông lỏng quản lý, thậm chí không ít cơ quan báo chí “bật đèn xanh” cho phóng viên đi “đánh” doanh nghiệp để kiếm hợp đồng quảng cáo. Có người phạm lỗi do không chịu được áp lực cạnh tranh thông tin, lợi dụng nguồn thông tin mở trên mạng xã hội, vi phạm bản quyền thông tin, hình ảnh… Cũng có người vi phạm do chủ quan, thiếu chuyên nghiệp, không tỉnh táo, thận trọng trong quá trình tác nghiệp. Nhưng nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là tư cách, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Một nhà báo yêu nghề, có trình độ, có bản lĩnh chính trị, biết trân trọng và ý thức rõ giá trị nghề nghiệp, giá trị bản thân sẽ không coi rẻ uy tín, thương hiệu của tờ báo cũng như trách nhiệm xã hội của nhà báo.
– Thưa ông, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 12-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ nhiệm vụ của Hội là “tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên…”. Trong thực tế, các nhiệm vụ này được Hội triển khai như thế nào trong thời gian qua?
– Thực hiện nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo được quy định tại Điều 8 Luật Báo chí năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, gồm 10 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Trong đó, yêu cầu người làm báo phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật…
Trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ, Hội đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, gồm 3 chương, 7 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Trong đó, tại Điều 4 đã xác định rõ những việc/điều mà người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội, như đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác; sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền; thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân…
Thời gian qua, Hội đã tăng cường bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên; tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí; giám sát việc tuân thủ pháp luật về báo chí. Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong cả nước triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, quy tắc. Đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”, gồm 12 điểm. Trong đó, yêu cầu cơ quan báo chí thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện. Cùng với đó, phải coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Hội cũng nêu rõ 6 tiêu chí “Người làm báo văn hóa”, trong đó đề cao người làm báo có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Chúng ta đề cao người làm báo tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo…
– Qua thực tiễn là Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trước đây và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay, ông có quan điểm như thế nào về các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao đạo đức người làm báo, đặc biệt là đối với các phóng viên trẻ?
– Nhìn một cách toàn diện, đa phần nhà báo vẫn yêu nghề, làm tốt nhiệm vụ chính trị trong công tác tuyên truyền, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bối cảnh truyền thông số hiện nay đòi hỏi người làm báo phải nâng cao trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tăng cường ý thức trách nhiệm để tạo nên sản phẩm báo chí chất lượng, bảo đảm tính chính xác, chuẩn mực, kiểm chứng đa chiều để có độ tin cậy và tính thuyết phục cao. Vì vậy, việc tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phải được chú trọng. Các cơ quan báo chí cũng phải làm kỹ khâu tuyển chọn nhân sự. Đặc biệt, chúng ta phải làm tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, tăng cường xử phạt đối với các vi phạm, tăng cường định hướng cơ quan báo chí hoạt động đúng chức năng, tôn chỉ, tuyệt đối không vì lợi nhuận mà xem nhẹ tính chân thật, tính nhân văn, tính văn hóa trong hoạt động báo chí.
Thực tiễn cho tôi thấy rõ vai trò rất lớn của lãnh đạo cơ quan báo chí trong việc giao, duyệt đề tài, thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh hoạt động của người làm báo theo đúng quy định về đạo đức nghề báo, đúng các nguyên tắc tác nghiệp; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xấu, tiêu cực, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức các khóa học, bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo; nâng cao vai trò giám sát, kiểm tra về đạo đức nghề báo. Đặc biệt, Hội chú trọng mở các lớp tập huấn cho các nhà báo trẻ để họ nâng cao trình độ, có được nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, góp phần đem lại giá trị đích thực cho công chúng, xã hội, xứng đáng là các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
– Trân trọng cảm ơn ông!