Công ty phân tích Moody’s, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s (S&P) vừa công bố các báo cáo mới về kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Khác biệt về dự báo
Trong đó, báo cáo của Công ty phân tích Moody’s và ADB đã có sự khác biệt đáng kể về dự báo tăng trưởng ở khu vực.
Cụ thể, Công ty phân tích Moody’s dự báo kinh tế APAC tăng trưởng 3,9% vào năm 2024 và 4% vào năm 2025. Con số này vượt qua mức tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển trong khu vực sẽ tăng tốc vào năm 2025, bù đắp cho động lực chậm lại ở các nền kinh tế đang phát triển.
Dự báo mới của Công ty phân tích Moody’s gần như không thay đổi so với đánh giá được đưa ra vào tháng 8 vừa qua. Cũng theo báo cáo này, xuất khẩu vẫn là động lực chính cho khu vực, nhưng tăng trưởng đang đứng trên nền tảng không ổn định. Các động lực xuất khẩu chính như chip bán dẫn đang mất đà. Nhu cầu hàng hóa toàn cầu vẫn còn yếu.
Trong khi đó, ADB dự báo kinh tế APAC sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay. Mức kỳ vọng này cao hơn so với dự báo mức tăng trưởng 4,9% vào tháng 4 mà ADB đưa ra. Đối với năm 2025, dự báo của ADB đưa ra vào tháng 4 cũng như lần này đều duy trì ở mức 4,9%. Bên cạnh đó, ADB dự báo lạm phát ở APAC sẽ giảm hơn nữa, xuống mức 2,8% vào năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức 3,2% được dự báo hồi tháng 4.
Theo ADB, triển vọng kinh tế APAC được cải thiện nhờ vào diễn biến khả quan hơn ở Đông Á, vùng Caucasus và Trung Á cũng như các nước nam Thái Bình Dương. ADB vẫn kỳ vọng nhu cầu toàn cầu về linh kiện chất bán dẫn tăng cao, một phần do sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, giúp thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, giá lương thực toàn cầu được dự báo giảm bớt và tác động của chính sách tiền tệ đã đưa lạm phát xuống gần mức trước đại dịch.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, cả ADB lẫn Công ty phân tích Moody’s đều đánh giá nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa có những tín hiệu khả quan để giải quyết các khó khăn hiện tại, nên tạo ra tác động không tốt cho kinh tế khu vực.
Theo ADB, dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất APAC, vẫn ở mức 4,8% năm nay và 4,5% trong năm tới. Sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng. Trung Quốc đang tìm cách giải quyết tình trạng này bằng cách đầu tư cao hơn, củng cố bởi các chính sách tiền tệ và tài khóa kích thích, và thúc đẩy xuất khẩu cao hơn. Thế nhưng, nước này vẫn đối mặt với khó khăn về xuất khẩu do xung đột thương mại với Mỹ và ngày càng gặp nhiều biện pháp trừng phạt từ phương Tây, điển hình mới đây thì châu Âu chính thức tăng thuế đối với ô tô điện được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tương tự, Công ty phân tích Moody’s cũng đánh giá Trung Quốc đang gặp khó về xuất khẩu khi đối mặt với các rào cản từ Mỹ và châu Âu. Thế nhưng, nhu cầu nội địa lại không tăng trưởng để bù đắp, do tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc, tình hình thị trường bất động sản vẫn trì trệ.
Có cùng nhận định, S&P đánh giá tuy Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kích thích tiêu dùng cùng thị trường bất động sản, nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Theo S&P, thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn còn tiếp tục trì trệ và có khả năng tiếp tục giảm đến năm 2025. Điều này siết chặt chuỗi cung ứng hạ nguồn, chẳng hạn như vật liệu xây dựng, hàng hóa, kim loại (đặc biệt là thép)… phục vụ trong xây dựng. Thị trường bất động sản trì trệ cùng với triển vọng việc làm ảm đạm khiến tiêu dùng giảm sút.
Bên cạnh đó, cả Công ty phân tích Moody’s, ADB và S&P đều nhận định những bất ổn chính trị như xung đột tại khu vực Trung Đông, Ukraine và thương chiến Mỹ – Trung đều tạo ra tác động tiêu cực cho kinh tế APAC.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trap-trung-du-bao-kinh-te-khu-vuc-185241005220138879.htm