Tham dự buổi lễ, về phía Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông có Viện trưởng PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, ThS Lê Thị Nhường, phụ trách đối ngoại của Viện cùng Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam.
Tiếp đoàn có ngài Gennady Stepanovich Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; ngài Stanislav Fokin, Tham tán Đại sứ quán và ngài Andrey Borodenko, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga.
Chia sẻ tại buổi lễ trao tặng sách, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông nhấn mạnh, hai nước Việt Nam và Nga có mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt khẳng định về mối quan hệ tình cảm sâu sắc, lâu bền giữa hai quốc gia Việt Nam và Liên bang Nga trên nhiều phương diện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những tác động qua lại hai chiều ở lĩnh vực giáo dục, văn hóa nghệ thuật. Cá nhân PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt từng có những năm tháng làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
“Với nhiều người, trong đó có tôi, nước Nga được xem như quê hương thứ hai. Mảnh đất ân tình, con người nồng hậu đã đón nhận, hỗ trợ những học sinh, lao động người Việt trong suốt những năm tháng dài. Điều đó chúng tôi không bao giờ quên và luôn luôn mong muốn có những giao lưu qua lại nhiều hơn nữa. Đã có những cán bộ Đại sứ quán học tiếng Việt ở Viện chúng tôi. Đây cũng là cơ hội để giáo viên hỗ trợ nhiều hơn, không chỉ dạy học mà còn đưa đi thực tế”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.
Đại diện cho Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cam kết sẽ hỗ trợ cho cán bộ Đại sứ quán Liên bang Nga có mong muốn học tiếng Việt đồng thời cùng NGƯT Ngô Trần Ái trao tặng bộ sách “Tiếng Việt dành cho người nước ngoài” đào tạo theo khung 6 bậc cho ngài Đại sứ cùng cán bộ nhân viên Đại sứ quán.
“Với bộ sách này dành tặng cho Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn giúp các cán bộ, học viên người Nga đang công tác tại Việt Nam có điều kiện học tiếng Việt và giỏi tiếng Việt để tiếp tục thực hiện những công việc của mình, xây dựng mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nga và Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt nói.
Ngài Gennady Stepanovich Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam chia sẻ, sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục, kể cả trong việc phổ biến ngôn ngữ của hai nước đã có lịch sử rất lâu đời. Cá nhân ngài Gennady Stepanovich Bezdetko đã học tiếng Việt từ những năm 80 của thế kỷ trước, tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva.
“Tôi nhớ là tôi và nhóm bạn của tôi ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva đã dùng những sách giáo khoa in trên loại giấy bị xỉn màu. Còn hiện nay, việc học tiếng Việt dễ dàng hơn, vì sách giáo khoa rất nhiều và trình độ, chất lượng xuất bản cũng rất cao”, ngài Gennady Stepanovich Bezdetko nói và cho biết, tiếng Việt đã là một bộ phận không tách rời trong công việc của ông một thời gian rất lâu dài.
“Bộ sách này sẽ giúp tăng hơn nữa khả năng học và hiểu biết tiếng Việt, đồng thời hiểu sâu hơn về văn hóa, dân tộc, con người Việt Nam bởi ngôn ngữ được xem như tâm hồn của mỗi đất nước”, ngài đại sứ cho hay.
Cũng theo ngài đại sứ, thời gian gần đây, không chỉ du lịch, số lượng người Nga sang Việt Nam công tác, làm việc cũng rất đông. Tại Nga, số người Việt Nam đang sinh sống, làm việc là khoảng 100.000 người, riêng Thủ đô Moskva có khoảng 25.000 người. Vì vậy, đẩy mạnh việc học ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Nga là rất cần thiết, giúp hai dân tộc xích lại gần hơn, củng cố và phát triển chặt chẽ hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Ngài đại sứ bày tỏ mong muốn, Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông cùng các nhà xuất bản Việt Nam sẽ tiếp tục xuất bản nhiều sách giáo khoa mới cho người nước ngoài, trong đó có người Nga.
Phát biểu tại buổi lễ, NGƯT Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam – đơn vị tổ chức biên soạn, liên kết xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều chia sẻ, hiện nay, có nhiều tác phẩm của Nga được đưa vào giảng dạy tại trường phổ thông Việt Nam. NGƯT Ngô Trần Ái bày tỏ hy vọng, sau buổi gặp gỡ với Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học mới của nước Nga được đưa vào nhà trường Việt Nam, cho học sinh học tập.
NGƯT Ngô Trần Ái cũng nhấn mạnh, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp. Khi vượt qua được “bức tường ngôn ngữ”, các dân tộc sẽ xích lại gần nhau, thông cảm, hòa hợp, giao lưu văn hóa. Đây là nền móng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia.
Tại sự kiện, ngài Gennady Stepanovich Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam đã gửi tặng PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cùng NGƯT Ngô Trần Ái bộ sách về Puskin – nhà thơ được mệnh danh “Mặt trời của thi ca Nga”, một tác giả nổi tiếng và thu hút đông đảo độc giả Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, bộ sách “Tiếng Việt dành cho người nước ngoài” là bộ sách dạy tiếng Việt đầu tiên cho người nước ngoài được soạn theo khung 6 bậc đánh giá năng lực của thế giới. Các nội dung trong sách được viết rất cẩn thận, chọn lọc kỹ, chú trọng đến đặc điểm văn hóa Việt Nam.
Khi học cuốn sách này, người nước ngoài có thể hình dung về đất nước Việt Nam trên nhiều phương diện xã hội như giáo dục, quân sự,…, đặc biệt là cả văn hóa truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Vì vậy, bộ sách đáp ứng được nhu cầu của người nước ngoài muốn giao lưu, làm việc ở Việt Nam, nhất là các Đại sứ quán; giúp họ tiếp cận với tiếng Việt nhanh, chắc chắn và sâu sắc nhất.
Nói về thời gian chuẩn bị, biên soạn bộ sách, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt tâm sự, đây là sự tích lũy cả cuộc đời dạy học của ông. “Bộ sách không chỉ là sách thuần túy dạy tiếng Việt, mà là sự tích hợp của rất nhiều tri thức và nhiều kinh nghiệm từ cuộc đời 46 năm giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học quốc gia Hà Nội) và cuộc đời viết văn của tôi; đồng thời cũng là kinh nghiệm được rút ra từ rất nhiều lần tôi đi làm chuyên gia giúp các nước bạn như Trung Quốc, Nga, Pháp, Campuchia biên soạn các bộ sách tiếng Việt”, ông nói.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/trao-tang-bo-sach-hoc-tieng-viet-toi-dai-su-quan-nga-tai-viet-nam-i384397/