Kinhtedothi – Chiều 5/11, UBND TP Hà Nội sơ kết 1 năm Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2023 – 2025 và triển khai tổng kiểm kê tài sản công.
Dự hội nghị có Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải.
Phát huy tối đa tiềm năng, giá trị các nguồn lực
Ngay từ khi Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025 được thông qua, TP đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực và trách nhiệm cao từ các sở, ngành, đơn vị.
Để đảm bảo Đề án đi vào thực tiễn, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 26/5/2023 với sự phân công rõ ràng gồm 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ (bao gồm cả các nhiệm vụ có thời hạn và thường xuyên). Sau một năm thực hiện, công tác quản lý tài sản công của TP Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc, đi vào nền nếp, mang tính khoa học hơn và đạt được những cải thiện đáng kể.
Qua quá trình triển khai, Đề án đã giúp TP Hà Nội xây dựng một hệ thống quản lý tài sản công không chỉ bền vững mà còn góp phần phát huy tối đa tiềm năng và giá trị của các nguồn lực, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội toàn diện của Thủ đô.
Ngoài cải thiện hệ thống quản lý và hoàn thiện cơ chế chính sách, TP đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trong kế hoạch. Trong số 29 nhiệm vụ có thời hạn được giao trong Đề án, đã có 15 nhiệm vụ hoàn thành. Các nhiệm vụ này bao gồm việc rà soát, bổ sung quy định về phân cấp quản lý, xây dựng cơ chế phối hợp và thiết lập cơ sở dữ liệu về tài sản công.
Một số nhiệm vụ nổi bật đã hoàn thành bao gồm: xây dựng quy chế phối hợp định kỳ cung cấp thông tin tài sản công, lập kế hoạch xử lý nợ nghĩa vụ tài chính đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và tham mưu cho UBND TP về Đề án khắc phục các tồn tại trong quản lý quỹ nhà.
Đặc biệt, Đề án khai thác quỹ đất đối ứng cho các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) là một giải pháp linh hoạt, giúp TP huy động nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà không phải hoàn toàn dựa vào ngân sách. Đây là cách làm thiết thực để khai thác tài sản công hiệu quả, phục vụ mục tiêu phát triển của TP.
Ngoài ra, Sở Tài chính đã hoàn thiện Kho dữ liệu tài sản công, kết nối dữ liệu từ các đơn vị trên địa bàn thành phố. Đề án khắc phục tồn tại trong quản lý quỹ nhà đã được xây dựng, tập trung vào hai quỹ nhà chính là nhà chuyên dùng và nhà tái định cư.
Sớm khai thác sử dụng hiệu quả tài sản công
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, TP Hà Nội nhận thức tầm quan trọng của tài sản công với 7 nhóm tài sản công, nếu không rà soát, xây dựng dữ liệu quản lý, rõ ràng sẽ gây ra lãng phí. Chính vì vậy, Thành ủy chỉ đạo, HĐND TP vào cuộc, UBND TP xây dựng Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, qua rà soát khi xây dựng Đề án này thì thấy số lượng quy mô tài sản công của TP rất lớn với đầy đủ 7 nhóm trong danh mục. Riêng tài sản của khối hành chính sự nghiệp là 455.000 tài sản. Với số lượng, quy mô lớn như vậy, cho nên việc đưa tài sản công vào quản lý khai thác rất quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, TP xây dựng Đề án đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, chi tiết hướng đến từng giai đoạn, với tinh thần chung là giao nhiệm vụ theo phương châm “5 rõ”. Cụ thể có 29 nhiệm vụ có thời hạn, 38 nhiệm vụ thường xuyên.
Trong 15 nhiệm vụ đã hoàn thành, có 6 nhiệm vụ quan trọng. Về tham mưu xây dựng, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu đưa nội dung về tài sản công vào Luật Thủ đô về nhượng quyền, cho thuê liên doanh liên kết. Cùng với đó, đề xuất xây dựng Nghị định 108/2024/NĐ-CP về Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác. Nghị định đã cơ bản tháo gỡ nút thắt để bắt đầu triển khai quản lý, khai thác tài sản công trên địa bàn TP.
Về tăng cường phân cấp ủy quyền, Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá cao Sở Tài chính đã đề xuất kịp thời phân cấp ủy quyền cho các đơn vị về quản lý tài sản công. Sắp tới, TP sẽ trao quyền mạnh hơn xuống người trực tiếp quản lý tài sản.
Về phân loại nợ và xác định nghĩa vụ tài chính, Sở Xây dựng đang triển khai, thu hồi cưỡng chế nợ đang được thực hiện rất quyết tâm; tiếp tục số hóa 455.000 tài sản khối hành chính sự nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề nghị, Sở Tài chính chủ trì sớm triển khai các nội dung trong Luật Thủ đô; Nghị định 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ. Trong đó, đặc biệt lưu ý rà soát “3Q” gồm: toàn bộ quy hoạch ngành để tránh lãng phí; rà soát lại quy chế, quy trình liên thông để báo cáo các đơn vị của TP; rà soát lại toàn bộ quy chuẩn tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, nếu rà soát được “3Q” thì khai thác quản lý tài sản công mới đồng bộ được. Từ đó sẽ phân cấp triệt để mạnh mẽ, không có chuyện thêm 1 bước nữa xin ý kiến sở, ngành.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Tài chính đẩy nhanh rà soát sắp xếp tài sản công; đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu theo tinh thần “đúng, đủ, sạch sống”, có cơ chế cập nhật; tận dụng dữ liệu thông tin sẵn có để chia sẻ. Các ngành tiếp tục rà soát các tồn đọng với tinh thần để sớm khai thác sử dụng hiệu quả tài sản công, “xử lý để khai thác, để phát triển”. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về số lượng tài sản được giao để quản lý tài sản công.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính phổ biến, hướng dẫn triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công và Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trao-quyen-manh-hon-nua-cho-nguoi-truc-tiep-quan-ly-tai-san-cong.html