Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức và phân công Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Cuộc thi được tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô, mái trường.
Sau hai tháng phát động, Cuộc thi đã đón nhận sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và nhiều tác phẩm chất lượng. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80.000 bài dự thi, được gửi qua email và đường bưu điện. Số lượng bài tham gia cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc thi.
Nhiều tác phẩm trình bày công phu, với nhiều ảnh và clip minh họa; các em học sinh tiểu học nắn nót từng nét chữ màu mực tím rất đẹp, tự tay trang trí cho tác phẩm của mình.
Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy cô giáo. Và còn rất nhiều những tấm gương, câu chuyện cảm động về thầy cô và mái trường được gửi gắm trong các tác phẩm. Đó là tâm tình, yêu thương lan toả và năng lượng tích cực mà cuộc thi mong muốn mang đến cho tất cả những ai đã và đang ngồi trên ghế nhà trường.
Tại Lễ tổng kết Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, cuộc thi không chỉ là cơ hội để các em học sinh thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình đối với những người đã dìu dắt, mà còn là dịp để những người làm công tác giáo dục nhìn nhận, đánh giá lại giá trị, tầm quan trọng của nghề giáo trong việc định hình tương lai của thế hệ trẻ.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong thời gian ngắn, cuộc thi thu hút trên 80.000 tác phẩm gửi về. Trong thời gian ngắn như vậy, ban giám khảo đã làm việc trách nhiệm, công tâm và khoa học. Từ đó, chọn lựa ra tác phẩm xứng đáng nhất.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung xây dựng văn hoá học đường, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên. Vì thế, cuộc thi nhắm đúng trọng tâm trong giáo dục học sinh hơn bao giờ hết. Số lượng 80.000 tác phẩm dự thi cho thấy, chúng ta luôn có sự hướng thiện, hướng tới sự nhân văn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn cuộc thi ngày càng được lan toả, tiếp tục được tổ chức chất lượng hơn, để thầy cô và mái trường luôn là nỗi nhớ mong của mọi người.
Ban Giám khảo Sơ khảo đã lựa chọn được 44 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Ban giám khảo lựa chọn và trao 30 giải (2 giải tập thể và 28 giải cá nhân).
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.