Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNTTƯ) Nguyễn Thế Kỷ cùng các nhà biên kịch, đạo diễn, các tác giả… tham dự buổi lễ.
Cuộc thi là nhiệm vụ quan trọng được Bộ VHTTDL giao Cục Điện ảnh thực hiện, nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, tư tưởng và tinh thần cách mạng của Đảng trải qua một thế kỷ xây dựng, trưởng thành, chỉ đạo, dẫn dắt cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam kiên trung, vững vàng, đổi mới, sáng tạo trong chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng đất nước.
Đây là một hình thức thiết thực để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Kết luận số 76/KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, cuộc thi có chủ đề và ý nghĩa đặc biệt này không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, của cách mạng Việt Nam mà còn là cơ hội để các tác giả thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc thông qua những kịch bản điện ảnh tâm huyết.
Thứ trưởng nhấn mạnh, những giải thưởng xứng đáng nhất sẽ được trao tặng cho các kịch bản phim truyện, phim tài liệu có chất lượng cao nhất; các tác giả kịch bản tiêu biểu sẽ được vinh danh.
“Cuộc thi là dịp để các nhà biên kịch tái hiện lại những giai đoạn lịch sử quan trọng, những đóng góp to lớn của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Thông qua các kịch bản và các bộ phim được hình thành từ những kịch bản chất lượng cao, tinh thần yêu nước, lý tưởng cộng sản và ý chí đấu tranh được truyền tải mạnh mẽ tới khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây là cách mà các hình thức nghệ thuật, trong đó có điện ảnh góp phần củng cố lý tưởng chính trị, khơi gợi niềm tự hào dân tộc”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Cuộc thi cũng tạo thêm môi trường sáng tác chuyên nghiệp cho các nhà biên kịch, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong chuyển tải những câu chuyện lịch sử, cách mạng. Điều này giúp điện ảnh Việt Nam không ngừng phát triển, đa dạng hóa các thể loại và nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục.
Những kịch bản có nội dung tư tưởng và chủ đề lịch sử Đảng không chỉ tôn vinh các giá trị quá khứ mà còn hướng đến xây dựng, bồi đắp tư tưởng cách mạng, đạo đức cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của Đảng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhấn mạnh kịch bản là nền tảng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, theo Thứ trưởng, những tác phẩm được tôn vinh là minh chứng cho sự đóng góp quý báu vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Thứ trưởng đề nghị Cục Điện ảnh tiếp tục chủ động, tích cực định hướng, quảng bá nhiều hơn nữa để những cuộc thi kịch bản chủ đề lịch sử Đảng, cách mạng, anh hùng dân tộc, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và công cuộc đổi mới đất nước thu hút được nhiều tác giả hơn nữa, có được nhiều kịch bản tốt và xuất sắc, tạo nguồn kịch bản chất lượng cao, hấp dẫn cho sản xuất phim.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Trưởng BTC cho biết, cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024 hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2030) đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà biên kịch chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước.
Có những tác giả tham gia 2 kịch bản ở một loại hình và có kịch bản dự thi cả ở hai loại hình phim tài liệu và phim truyện. Tác giả trẻ độ tuổi 25-35, tác giả lớn tuổi nhất đã ngoài 80 tuổi. Có cả tác giả là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Điều đó thể hiện tình cảm sâu sắc của các tác giả đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.
“Yêu cầu của cuộc thi là kịch bản phải là sáng tác mới, chưa tham dự giải thưởng ở các cuộc thi khác, chưa đăng ký và tham dự tuyển chọn kịch bản để sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước. BTC đánh giá cao tinh thần làm việc, sáng tác kịch bản mới của các tác giả, thể hiện được sự quan tâm, thu hút của cuộc thi về đề tài mang nhiều ý nghĩa quan trọng này…”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Các kịch bản có đề tài, nội dung về Đảng Cộng sản Việt Nam; về sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng; công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; về những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng trong chặng đường 100 năm lịch sử vẻ vang.
Theo ông Vi Kiến Thành, nội dung các kịch bản đã phần nào phản ánh sinh động công lao to lớn của Đảng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các kịch bản không chỉ tập trung vào những cột mốc lịch sử lớn lao của Đảng mà còn quan tâm đến câu chuyện về những con người bình dị, những nhân vật tiêu biểu của sự nghiệp cách mạng từ năm 1930 đến nay. Nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc về sự nghiệp đấu tranh của các thế hệ đảng viên, nhân dân.
Có 70 kịch bản phim tài liệu và kịch bản phim truyện tham dự cuộc thi. Trong đó kịch bản phim tài liệu đề cập khá đa dạng lĩnh vực của đời sống, những vấn đề mới của đất nước gắn với chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ gắn bó của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Kịch bản phim truyện tập trung thể hiện hình tượng Hồ Chủ tịch gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Người với cách mạng Việt Nam; về hình tượng một số nhà cách mạng, phong trào cách mạng Việt Nam làm trung tâm để xây dựng nội dung kịch bản.
Nhiều sự kiện lịch sử trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng đã được đề cập, tái hiện. Nhóm đề tài về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình; phòng, chống tham nhũng; bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa được một số tác giả quan tâm xây dựng kịch bản.
Kết thúc cuộc thi, về kịch bản phim truyện, BGK đã tuyển chọn, xếp loại 01 Giải Nhì (không có Giải Nhất) cho kịch bản “Lựa chọn thiên tài”, tác giả Lê Ngọc Minh (Hà Nội) với trị giá giải thưởng 50 triệu đồng. 03 Giải Ba cho các kịch bản: “Mùa xuân đầu tiên”, tác giả Nguyễn Thị Khánh Ly (Hà Nội); “Niềm tin và tình yêu”, tác giả Đào Thùy Trang (Hà Nội); “Dấu chân huyền thoại”, tác giả Đoàn Tuấn (Hà Nội).
Ngoài ra, có 02 Giải khuyến khích cho các kịch bản: “Một số phận kỳ lạ”, tác giả Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) và “Cuộc thiên di màu đỏ”, tác giả Đặng Thu Hà (Hà Nội).
Ở giải thưởng kịch bản phim tài liệu, BGK đã tuyển chọn, xếp loại 01 Giải Nhì (không có giải Nhất) cho kịch bản “Nhà báo trẻ đi tìm nhà văn Sơn Tùng nơi “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, tác giả Đào Tuệ Trinh (Hà Nội), với trị giá giải thưởng 30 triệu đồng.
02 Giải Ba cho kịch bản “Văn Cao – Đảng với đa tài, Đảng với thiên tài”, tác giả Giang Hà Vỵ và Nguyễn Hoài Giang (Hà Nội); kịch bản “Ngôi trường xưa bên dòng sông Công”, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Trang (Hà Nội).
Nguồn: https://toquoc.vn/trao-giai-cuoc-thi-sang-tac-kich-ban-phim-truyen-phim-tai-lieu-ve-100-nam-ngay-thanh-lap-dang-20241001212710555.htm