Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Hội thảo khoa học lần này tiếp tục làm rõ hơn căn cứ chính trị, pháp lý, sự cần thiết và yêu cầu thực tiễn của MTTQ Việt Nam giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở hiện nay.
Qua Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Mặt trận các địa phương, đại biểu các cơ quan, tổ chức có dịp được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng công tác giám sát của Mặt trận đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong thời gian qua, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó cùng nhau thảo luận đề ra các giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở trong thời gian tới.
“Kết quả Hội thảo là cơ sở để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nghiên cứu, điều chỉnh trong xây dựng Kế hoạch, nội dung giám sát cũng như ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng năm; đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giám sát của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở trong thời gian tới”, TS Lê Mậu Nhiệm khẳng định.
Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, hiện nay nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam ở cơ sở về vai trò giám sát của MTTQ cấp xã còn chưa nắm vững tính chất, mục đích, nguyên tắc, đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát, quyền và trách nhiệm của MTTQ trong hoạt động giám sát đã được quy định trong luật, do vậy trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giám sát còn có những khó khăn, trở ngại, vướng mắc.
“Ủy ban MTTQ cấp xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về vai trò giám sát của MTTQ trong giai đoạn hiện nay, với tính chất là thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, MTTQ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện công khai, minh bạch, không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của chính quyền cơ sở”, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị.
TS Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi còn hình thức. Trong khi giám sát của Mặt trận đối với chính quyền cấp xã là một yêu cầu quan trọng để Mặt trận thực hiện vai trò nòng cốt để nhân dân được thực hiện quyền làm chủ. Mặt khác, một số nơi thiếu chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động giám sát.
Theo TS Nguyễn Văn Pha, sự ủng hộ, kỳ vọng của nhân dân là yếu tố thuận lợi, đồng thời cũng là áp lực đối với Mặt trận cấp cơ sở. Điều này đòi hỏi Mặt trận phải làm tốt hơn công tác giám sát từ khâu lựa chọn nội dung đến khâu tiến hành giám sát và kiến nghị sau giám sát để hoạt động giám sát thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Từ kinh nghiệm ở cơ sở, ông Chu Văn Giáp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng (Hà Nội) chia sẻ, quá trình thực hiện giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở cho thấy ở đâu thực hiện tốt giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền thì ở đó hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vị trí, vai trò của MTTQ được nâng lên.
“Khi thực hiện giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở cần chủ động, kịp thời nắm chắc tình hình dư luận cũng như sự giám sát của nhân dân, đồng thời thực hiện tốt việc theo dõi giám sát và tái giám sát việc giải quyết khắc phục những kiến nghị sau giám sát”, ông Chu Văn Giáp đề xuất.